Tổ Hợp Tác Chăn Nuôi Gà Ở Thôn Tây Sơn

Để góp phần tăng thu nhập, gắn kết các hộ gia đình trong chăn nuôi, cuối năm 2011, được sự khuyến khích, vận động của chính quyền địa phương, thôn Tây Sơn, xã Long Sơn (Đắk Mil) đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà, thu hút 10 hộ dân tham gia.
Phương thức hoạt động của đơn vị này là tổ đứng ra chọn mua con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh có chất lượng cao để cung cấp cho các thành viên; đồng thời mời cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các thành viên trong tổ đã có điều kiện để đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.
Đơn cử như gia đình bà Lương Thị Hoa, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau 3 năm tham gia tổ hợp tác đã xây dựng được chuồng trại, mua sắm các thiết bị chuyên dùng phục vụ chăn nuôi. Hiện tại mỗi lứa, bà nuôi từ 300 – 450 con gà giống, nên kinh tế gia đình ngày càng khá giả.
Bà Hoa chia sẻ: “Chăn nuôi gia cầm tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, nhưng nhờ được tổ hướng dẫn cách phòng trừ đúng kỹ thuật, nên lứa nuôi nào gia đình cũng có thu nhập cao”.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Tạo, sau thời gian tham gia chăn nuôi và học hỏi kinh nghiệm, bây giờ ông rất thành thạo trong việc chăm sóc vật nuôi theo đúng kỹ thuật.
Ông Tạo cho biết: “Vào buổi tối, tôi thường vào chuồng quan sát gà, xem con nào có biểu hiện dịch bệnh để kịp thời cách ly và tiêm phòng. Việc tham gia tổ hợp tác đã giúp cho các thành viên rất nhiều trong việc tổ chức chăn nuôi một cách bài bản, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi hiệu quả, phòng trừ được bệnh tật, hạn chế tổn thất”.
Theo ông Trần Xuân Kính, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà thôn Tây Sơn thì hầu hết các thành viên trong tổ hiện đã chủ động trong việc chăm sóc đàn vật nuôi một cách hiệu quả. Hiện nay, mỗi lứa nuôi, Tổ có khoảng 3.000 con gà.
Trên cơ sở tham gia tổ hợp tác, dựa vào điều kiện, khả năng vốn có, các thành viên cùng hỗ trợ, giúp nhau trong chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng tinh thần đoàn kết trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài nuôi gà, hiện tổ cũng đang tính đến chuyện mở rộng sang chăn nuôi thêm gia súc để nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Có thể bạn quan tâm

Việc xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao mặc dù yêu cầu vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thành công rất cao, lợi nhuận khá, kiểm soát được dịch bệnh

Anh Võ Văn Chín, huyện Trà ôn, tỉnh Vĩnh Long là một nông dân chuyên nuôi trồng thủy sản từ hơn mười năm nay.

Vườn bưởi da xanh 7 năm tuổi của ông Phan Hữu Hà (49 tuổi) tỉnh Đồng Nai là một trong số vườn đẹp, đem lại lợi nhuận khá hấp dẫn.

Người trồng cam ở Hà Tĩnh thử nghiệm, nhưng việc “mắc màn” cho cam đang là phương pháp bảo vệ cây trồng đem lại hiệu quả cao trong phòng tránh côn trùng

Anh Nguyễn Thanh Tân, 37 tuổi, quê ở ấp Bình Hòa I, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một thanh niên năng động, dám nghĩ dám làm và làm.