Tìm Lối Đi Cho Rau An Toàn

Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm sạch và an toàn trở thành bức thiết đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là khi người nông dân bắt đầu sản xuất rau an toàn thì họ lại vướng phải nhiều rào cản từ thị trường tiêu thụ.
Khai hoang thị trường
Lấp Vò là một trong những huyện tiên phong trong thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn gắn với thị trường tiêu thụ của tỉnh. Sau thời gian thực hiện mô hình đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: tổ chức và hướng dẫn nông dân sản xuất theo qui trình, đưa được rau an toàn đến với các điểm chợ trên địa bàn huyện, đặc biệt ký được hợp đồng liên kết tiêu thụ với siêu thị VinaFood Mart Cao Lãnh. Song, mô hình này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Hiện nay, mặc dù sản phẩm rau an toàn bước đầu tìm được một lượng khách hàng nhất định, tuy nhiên lượng khách hàng vẫn chưa đủ lớn để tổ hợp tác (THT) rau an toàn Mỹ An Hưng B (ấp An Thuận, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò) có những đơn hàng sản xuất ổn định. Là đơn vị đi đầu nên THT có nhiều lợi thế trong chiếm lĩnh thị trường. Nhưng phải thấy rằng hành động tiên phong của THT rau an toàn Mỹ An Hưng B giống như “khai hoang thị trường”.
Bởi lẽ, thị trường chưa quen với mặt hàng rau sạch, tâm lý nghi ngờ và so sánh về giá cả của khách hàng vẫn còn là rào cản khiến rau an toàn vẫn khó khăn tìm chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, do chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên nông dân vẫn chưa nhiệt tình chuyển đổi sang sản xuất theo mô hình mới.
Ông Tô Phước Lập - tổ trưởng THT rau an toàn Mỹ An Hưng B cho biết: “Cái khó của THT hiện nay là không chủ động được sản xuất, vì không nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên nhiều lúc sản phẩm sản xuất thừa phải bán ra bên ngoài, đồng giá với sản phẩm rau thường. Nếu có được đối tác có đơn đặt hàng cố định thì vấn đề thừa hàng sẽ không xảy ra, bà con trong THT sẽ yên tâm sản xuất hơn”.
Hiện tại, phần lớn các điểm chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không có bán rau an toàn. Vì vậy, khi THT rau an toàn Mỹ An Hưng B tung sản phẩm ra thị trường sẽ chịu một áp lực lớn về giá thành vì người tiêu dùng sẽ so sánh với sản phẩm rau thường. Nếu người tiêu dùng nhận ra rằng, việc bỏ số tiền mua sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe và không phải tốn công sơ chế, thì rõ ràng rau an toàn chiếm ưu thế hơn.
Giải pháp căn cơ cho sự phát triển lâu dài
Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng huyện Lấp Vò vẫn quyết tâm thực hiện và duy trì mô hình sản xuất rau an toàn và gắn với thị trường tiêu thụ. Anh Trần Văn To - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò cho biết: “Mặc dù thời gian đầu còn gặp nhiều trở ngại, nhưng đây là cách duy nhất để phát triển vùng màu của huyện theo hướng bền vững.
Trong năm 2015, huyện tiếp tục thực hiện và mở rộng mô hình. Đồng thời, huyện sẽ làm cầu nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn đến các điểm trường, nhà trẻ”.
Sắp tới, siêu thị Coop Mart đang là đích đến cho thị trường tiêu thụ mà THT đang quyết tâm hướng tới. Tuy nhiên cần nhận định rõ, siêu thị Coop Mart là một kênh phân phối lớn và tiềm năng nhưng để hợp tác lâu dài với đơn vị này thì đòi hỏi tiềm lực của THT phải đủ mạnh, diện tích sản xuất của vùng phải đủ lớn và sản phẩm cũng phải đa dạng.
Thực tế, làm như thế nào để nâng cao tiềm lực cho đơn vị sản xuất khi việc thực hiện mô hình mẫu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, người nông dân vẫn chưa mặn mà và tin tưởng vào tiềm năng kinh tế của sản phẩm mình làm ra... Đó vẫn còn là bài toán khó mà các ngành cần có một kế hoạch và lộ trình thực hiện thỏa đáng hơn.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 7.7.2014, UBND huyện Xín Mần đã tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ xuân. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện và Bí thư, Chủ tịch, cán bộ Khuyến nông, Khuyến lâm, một số các gia đình sản xuất giỏi thuộc 19 xã, thị trấn cùng tham dự.

Trong 3 năm qua, Lô Lô Chải được Đảng ủy, UBND xã Lũng Cú (Đồng Văn) chọn là 1 trong 2 thôn điểm xây dựng Chương trình Nông thôn mới (NTM). Để phát huy hiệu quả nét văn hóa truyền thống đặc sắc của thôn và xuất phát từ nhu cầu cuộc sống thực tế của người dân trên địa bàn, vì thế chăn nuôi và dịch vu, du lịch luôn là 2 lĩnh vực được thôn chú trọng phát triển.

Sau gần 2 năm khủng hoảng nặng nề khiến DN làm giống, người chăn nuôi lao đao, gần 3 tháng trở lại đây, thị trường chăn nuôi trong nước ổn định tích cực.

Ông Lê Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, tôm thẻ chân trắng thả nuôi dần kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn tôm sú. Hiện tôm thẻ chân trắng trên thị trường có kích cỡ 100 con/kg, giá 100.000 đồng/kg và 50 con/kg, giá 150.000 đồng/kg đã giúp người nuôi trồng thủy sản có lãi cao, tiếp tục đầu tư cải tạo ao hồ chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới.

Theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được đưa ra khỏi danh sách điều tra lần này và tiếp tục hưởng mức thuế 0%, trong khi thuế suất áp dụng cho tập đoàn Hùng Vương và 23 công ty khác giảm mạnh từ 1,2 USD/kg xuống còn 0,58 USD/kg.