Tìm Đầu Ra Cho Chuối Tiêu Hồng

Việc đưa cây chuối tiêu hồng có giá trị kinh tế vào trồng ở vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân nơi đây. Thế nhưng, trên thực tế việc trồng tập trung và đầu ra cho sản phẩm chuối lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Xác định chuối tiêu hồng là loại cây ăn quả ngắn ngày chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, nên những năm qua, huyện Phước Sơn đã khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối tiêu hồng. Từ năm 2011, huyện Phước Sơn đưa giống chuối tiêu hồng trong Chương trình 30a vào trồng tại địa phương, với hơn 500 hộ trồng chuối tiêu hồng, diện tích khoảng 30ha. Trong năm 2013, Phước Sơn đã đầu tư thêm 50.000 cây, tương đương trồng khoảng hơn 100ha. Thế nhưng hiện nay, giống cây này lại chưa mang lại hiệu quả nhiều cho đồng bào, diện tích trồng thì nhỏ lẻ, rải rác, vấn đề tập trung thành vùng chuyên canh cây ăn quả trên địa bàn Phước Sơn lại càng khó khăn hơn. Trong khi đó, người dân địa phương có thói quen để chuối gần chín mới hái xuống đem bán, nên thường bị tư thương ép giá. Ông Hồ Văn Thêu (thôn 3, xã Phước Năng) nói: “Được huyện cấp chuối, gia đình đem về trồng xen với vườn bời lời khoảng hơn 100 gốc, sau một thời gian thấy trái chuối to tròn rất đẹp, ăn rất thơm và ngon nhưng khi bán thì thương lái lại nói là sợ tiêm thuốc kích thích, đem về dưới xuôi bán không được. Giá thị trường của chuối tiêu hồng từ 150 – 200 nghìn đồng/buồng nhưng họ lại ép xuống còn 20 – 30 nghìn đồng/buồng, được lắm cũng chỉ 50 nghìn đồng”. Rất nhiều hộ dân nhận chuối về trồng có cùng cảnh ngộ tương tự nên không thiết tha với giống chuối này.
Có nhiều nguyên nhân để tư thương lấy cớ ép giá, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do chuối rất đẹp, to, thơm ngon nên người tiêu dùng thường nhầm tưởng là chuối Trung Quốc. Trong khi đó, ông A lăng Ngọc - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, giống chuối tiêu hồng đã được trồng trên địa bàn huyện trong những năm gần đây cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, cây giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn. Trong những năm đến huyện sẽ đầu tư trồng thêm và trồng tập trung để sản xuất hàng hóa vì hiện nay thị trường rất cần loại nông sản này cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đầu ra cho sản phẩm chuối đang là vấn đề khó khăn, làm thế nào để nông dân không bị thương lái ép giá là vấn đề lớn cần giải quyết. “Trong thời gian đến, khi đưa ra trồng tập trung trên diện rộng, địa phương sẽ có chủ trương quảng bá sản phẩm chuối tiêu hồng trên các phương tiện truyền thông về tên tuổi, chất lượng, xuất xứ… để bà con yên tâm sản xuất. Mục tiêu là Phước Sơn sẽ trở thành vùng chuyên canh chuối tiêu hồng lớn nhất tỉnh, giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững” – ông Ngọc nói.
Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian trồng thử nghiệm tại khu vực thôn 1, với giống bắp lai VN8960 trên vùng đất pha cát ven suối tại khu vực này cho năng suất cao, chất lượng hạt bắp to và đều, kháng sâu bệnh và có khả năng thích ứng rộng và chịu hạn tốt.

Các chuyên gia cũng cảnh báo về loại hoá chất có thể được dùng bảo quản hoa quả có tên là 2,4D. Đây là thuốc diệt cỏ rất độc hại, có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số nhà sản xuất vì lợi ích kinh doanh đã đưa vào trái cây với mục đích kích thích sinh trưởng và bảo quản được lâu hơn, giúp lớp bọc bên ngoài xanh mơn mởn, nhưng rất nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng.

Xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) là một trong những địa phương có diện tích cao su lớn nhất tỉnh, khoảng 500ha, trong đó diện tích khai thác là 300ha, tập trung chủ yếu ở các xóm như Minh Hòa, Minh Hợp, Minh Thành, Minh Thọ… Các năm trước, mủ cao su được giá nên nhà nào cũng phấn khởi mỗi khi đến kỳ cạo mủ nhưng năm nay thì ngược lại.

Tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) - cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ, không khí nhộn nhịp ngày nào nay ảm đạm đến lạ kỳ. Anh Phan Văn Dũng, một lao động tại cảng, cho biết mấy tháng nay tiền bốc xếp cá sụt giảm bởi lượng cá về cảng ít quá.

Chỉ cần mua 200kg lươn giống nuôi trong sáu tháng sẽ có lời 100-200 triệu đồng. Lời quảng cáo này đã đẩy nhiều nông dân vào cảnh đổ nợ.