Tiểu thương đánh tiếng rời chợ nông sản Đà Lạt
Vừa qua, UBND TP Đà Lạt ban hành văn bản cấm các tiểu thương nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt.
Theo đó, từ ngày 1/11, tiểu thương nào nhập khoai tây Trung Quốc sẽ bị xử phạt theo qui định.
Không đồng tình với biện pháp này, nhiều tiểu thương cho biết sẽ chuyển ra ngoài nếu như UBND TP tiếp tục cấm. Bà Trần Thi Lan (tiểu thương tại chợ) cho biết, gia đình kinh doanh mặt hàng khoai tây hơn 4 năm nay.
Đa số hàng phải nhập từ Trung Quốc mới đủ cung cấp cho các đầu mối.
Trước khi lệnh cấm có hiệu lực nhiều tiểu thương đã tranh thủ nhập hàng trăm tấn khoai tây Trung Quốc.
“Khoai tây Đà Lạt chỉ được 6 tháng trong năm, nếu như không nhập thêm từ Trung Quốc thì không đủ hàng bỏ cho các mối.
Hết mùa, chúng tôi lấy hàng đâu ra để giao cho khách.
Vì vậy, UBND TP không dỡ bỏ lệnh cấm thì tôi sẽ chuyển ra ngoài để kinh doanh”, bà Lan nói.
Tương tự, một tiểu thương khác cũng cho biết nếu cấm thì tỉnh Lâm Đồng nên kiến nghị trung ương không cho nhập khẩu khoai tây Trung Quốc. “Chứ đằng này cho nhập nhưng lại cấm không cho mang vào chợ để đóng gói giao cho các đầu mối thì không ổn.
Nếu như chính quyền cấm không cho đưa vào chợ thì chúng tôi sẽ ra ngoài để kinh doanh”, người này cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ - Tổ phó phụ trách chợ nông sản Đà Lạt (thuộc Ban quản lý chợ Đà Lạt) cho biết, sau khi có lệnh cấm một số tiểu thương thông báo trả lại sạp. Ngoài ra, một số tiểu thương khác cũng có ý định trả lại sạp, ra ngoài kinh doanh.
Theo họ, không cho đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ cũng đồng nghĩa với không có việc làm. “Họ kinh doanh khoai tây mà không có hàng thì thuê mặt bằng làm gì tốn tiền”, ông Kỳ nói thêm. Một số tiểu thương muốn chuyển ra ngoài vì không được bán khoai tây Trung Quốc.
Theo thống kê, chợ nông sản Đà Lạt có tổng cộng hơn 80 gian hàng nhưng trong đó 24 sạp kinh doanh khoai tây.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Ngọc Đức - Trưởng Phòng kinh tế TP Đà Lạt cho biết việc tiểu thương chuyển ra ngoài không quan trọng cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động của chợ.
Vì khi những người này chuyển đi sẽ có người khác vào thuê. “Để bảo vệ cho khoai tây Đà Lạt nên UBND TP ban hành văn bản cấm đưa mặt hàng này vào chợ cho dễ quản lý.
Nếu tiểu thương nào không đồng ý có thể chuyển ra ngoài để kinh doanh.
Tuy nhiên, khi ra ngoài, phòng sẽ không cấp giấy phép.
Ngoài ra, khi cơ sở chế biến phát sinh ô nhiễm môi trường sẽ kiến nghị Công an môi trường kiểm tra, xử lý”, ông Đức nói.
Theo ông này, Phòng kinh tế thì chỉ xử phạt bên trong chợ, còn bên ngoài chợ thì không.
“Sắp tới, Phòng kinh tế sẽ kiến nghị cấp trên cho các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu để dễ quản lý cũng như bảo vệ thương hiệu cho khoai tây Đà Lạt”, ông Đức nói thêm.
Có thể bạn quan tâm

Ngoài cây cao su, những năm gần đây huyện Sông Hinh (Phú Yên) chú trọng mở rộng diện tích trồng cây ca cao, trong đó có mô hình trồng ca cao dưới tán rừng, mở đầu cho một dự án quy mô lớn, có diện tích hàng trăm hecta, nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng hưởng lợi và tích cực bảo vệ rừng.

Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông dân: Vào thời điểm này nên tạm dừng việc thả tôm nuôi, nhằm tránh những rủi ro. Đây là vụ thả nuôi trái vụ, mặt khác do thời tiết khô hạn gay gắt nên nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu thả tôm nuôi vào thời điểm này sẽ không hiệu quả, thậm chí sẽ bị lỗ do chi phí đầu tư cao.

Tính đến thời điểm này, bà con nông dân huyện Cái Nước (Cà Mau) thả nuôi được khoảng 500ha tôm nuôi công nghiệp, trong đó có gần 300ha tôm thẻ chân trắng, tăng gấp 1,5 lần so với diện tích tôm sú.

Anh Mai Công Quốc ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, đã trải nghiệm vụ mùa 2012 gần 50 loại giống lúa chịu mặn trên đất nuôi tôm với năng suất cao. Anh góp phần rất lớn cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, Viện lúa đbscl chọn ra giống lúa chịu mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương.

Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp hỗ trợ 1.300 hom giống thanh long ruột đỏ cho 4 hộ dân tại xã Trà Phú (Trà Bồng). Được biết, cách đây 3 năm, cây thanh long ruột đỏ được đưa vào trồng thử nghiệm ở hai xã Trà Phú và Trà Bình đã phát huy hiệu quả.