Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tiêu thụ bí đỏ ở Tân Đức giảm giá vẫn bí đầu ra

Tiêu thụ bí đỏ ở Tân Đức giảm giá vẫn bí đầu ra
Ngày đăng: 15/04/2015

5 năm trở lại đây, bí đỏ trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông ở xã Tân Đức (Phú Bình). Tuy nhiên, do không có thị trường ổn định nên việc tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân trở nên bấp bênh.

Nếu như những năm trước, đến thời điểm này quả bí đã được tiêu thụ hết thì năm nay bí đỏ ở Tân Đức lại lâm vào cảnh ế ẩm và rớt giá.

Ông Đào Văn Khương, Phó chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết: Do cây bí đỏ phù hợp với đồng đất của địa phương lại mất ít công chăm sóc nên nhiều năm nay bà con nông dân trong xã đã chọn làm cây trồng chính cho vụ đông. Trung bình mỗi năm, người dân trong xã trồng được hơn 60ha bí đỏ, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn quả, với giá bán trung bình từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Nếu chăm sóc tốt mỗi sào bí có thể cho thu hoạch từ 4 - 6 tạ quả và cho thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay ngoài việc ảnh hưởng thời tiết khiến năng suất bí đỏ vụ đông giảm từ 1 - 2 tạ/sào so với mọi năm thì giá bán cũng rất thấp, chỉ từ 1.500 - 2.500 đồng/kg mà vẫn không có thương lái đến thu mua. Hiện toàn xã vẫn còn tồn đọng khoảng hơn 600 tấn quả.

Đến nhà các hộ dân ở những xóm tập trung nhiều diện tích bí đỏ, chúng tôi đều chứng kiến một cảnh tượng chung là quả bí đỏ xếp chật kín trong nhà. Do không tiêu thụ kịp, có nhiều quả đã bị thối rữa vì chuột gặm, nước chảy cả ra nền nhà khiến ruồi muỗi bu lại và bốc mùi khó chịu.

Chị Nguyễn Thị Thanh, ở xóm Tân Ngọc nhìn đống bí chất đầy trong nhà ngao ngán nói: Vụ đông vừa qua gia đình tôi trồng 10 sào bí đỏ, thu hoạch được gần 4 tấn quả. Cứ ngỡ năm nay bí mất mùa thì sẽ bán được giá nhưng đến giờ tôi mới bán được khoảng 5 tạ quả, với giá từ 2.000 - 2500 đồng/kg, rẻ hơn năm ngoái 3.000 đồng/kg. Số bí còn tồn đọng trong nhà nhiều quả đã bị thối nên tôi buộc phải để cho trâu, bò ăn.

Theo những người dân địa phương, năm ngoái bí đỏ mới thu hoạch về đã có thương lái đến tận nhà mua, ở thời điểm đầu vụ và chính vụ, giá bí bán được từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, cuối vụ giá bí tăng thêm được từ 2.000 - 3.000 đồng/kg mà còn không có để bán. Trong khi năm nay, hầu như nhà nào cũng còn tồn đọng khoảng vài tấn bí khiến bà con rất lo lắng.

Chị Đỗ Thị Phượng, ở xóm Trại Vàng cho biết: Vụ đông năm 2013, gia đình tôi trồng 7 sào bí đỏ, bán với giá trung bình 4.000 đồng/kg đã thu về được hơn 8 triệu đồng. Vụ đông năm 2014 tôi trồng thêm 4 sào, thu về hơn 3 tấn quả nhưng hiện tại tôi mới chỉ bán được 3 tạ, số còn lại vẫn đang chất đống ở trong bếp và ngoài chuồng trâu mà chưa biết bao giờ mới bán được.

Thực trạng ở xã Tân Đức là vậy nhưng khi chúng tôi đi khảo sát tại một số chợ ở T.P Thái Nguyên như chợ Đồng Quang, chợ Túc Duyên… thì giá bí đỏ vẫn được bán với giá khá cao, từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Đề cập vấn đề này với bà con nông dân trong xã, chúng tôi được biết khi đến mùa thu hoạch, các thương lái thường trực tiếp đến thu mua, định đoạt giá cả nên dẫn đến đầu ra không ổn định.

Riêng năm nay, Khi hỏi về nguyên nhân khiến bí đỏ ế ẩm và giảm giá như vậy, hầu hết các thương lái đều có câu trả lời là do sau khi thu mua về họ không hợp đồng tiêu thụ được với các bếp ăn tập thể, cửa hàng, quán ăn…nên không dám mua nhiều và trả giá cao cho người nông dân.

Hiện toàn xã Tân Đức có hơn 2.000 hộ dân, trong đó có hơn 80% số hộ sống bằng nghề trồng hoa màu nên việc bí đỏ mất giá, không có người thu mua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong xã. Vì vậy, nhiều hộ dân đã nghĩ đến chuyện giảm diện tích trồng bí đỏ ở vụ đông năm nay hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Thiết nghĩ, với những tiềm năng và thế mạnh của địa phương thì Tân Đức hoàn toàn có thể trở thành một vùng chuyên canh bí của huyện Phú Bình. Tuy nhiên để khuyến khích người nông dân phát triển loại cây trồng này thì chính quyền xã cần quan tâm, chủ động hơn nữa trong việc quản lý, liên kết với các đầu mối tiêu thụ để hỗ trợ tổ chức thu mua cho nông dân. Có như vậy người dân mới yên tâm sản xuất và tránh được tình trạng bí đỏ bị giảm giá như hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Tìm Đầu Ra Cho Cây Điều Ở Đồng Nai Tìm Đầu Ra Cho Cây Điều Ở Đồng Nai

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

24/09/2012
Giá Nhãn Tiêu Da Bò Giảm Mạnh Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Giá Nhãn Tiêu Da Bò Giảm Mạnh Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.

27/04/2013
Kiểm Soát Việc Nhập Lậu Cá Tầm Kiểm Soát Việc Nhập Lậu Cá Tầm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất phức tạp, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

27/09/2012
Lỗ Nặng Vì Nhím Rớt Giá Lỗ Nặng Vì Nhím Rớt Giá

Mua nhím giống với giá hơn chục triệu đồng/con, sau mấy năm chăm sóc, nhím trưởng thành có trọng lượng gần 20 kg bán được mức giá tròm trèm vài triệu đồng. Hàng loạt chủ trại nhím ở các tỉnh vùng cao Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… đang điêu đứng vì giá bán nhím giảm mạnh.

29/09/2012
Đồng Bằng Sông Cửu Long Tôm “Chết Yểu”, Thiệt Hại Tiền Tỷ Đồng Bằng Sông Cửu Long Tôm “Chết Yểu”, Thiệt Hại Tiền Tỷ

Mùa tôm mới ở ĐBSCL nói chung, Trà Vinh nói riêng đang vào vụ, thế nhưng tại Trà Vinh đã có hơn 2.500ha tôm nuôi bị chết. Tình trạng tôm chết đang xuất hiện tại nhiều địa phương nên người nuôi tôm thấp thỏm âu lo.

07/05/2013