Tiết Kiệm Nước Tưới Càphê Bằng Máy Bơm Động Lực

Tỉnh Gia Lai có khoảng 80.000ha càphê, hàng năm cần một lượng nước rất lớn từ các công trình thủy lợi để tưới vào mùa khô, đảm bảo cho cây ra hoa kết trái cho vụ sau.
Trước đây, các chủ vườn cây thường sử dụng bằng phương pháp tưới tràn - có nghĩa là trong từng lô cây càphê, các chủ vườn đào mương rãnh xung quanh và cho nước tự chảy vào từng gốc cây liên tục ngày đêm.
Tính ra mỗi hecta càphê cho một lần tưới phải "ngốn" hết từ 4.500-5.000m3 nước. Phương pháp này không những tiêu tốn nước tưới rất lớn mà còn làm trôi đi phần nào lượng phân bón và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.
Quan trọng hơn, những năm thời tiết bất lợi, gây ra tình trạng hạn hán kéo dài đã làm cho các nguồn nước trên sông suối và các hồ chứa thủy lợi nhanh bị cạn kiệt. Điều này khiến nguồn nước tưới bị thiếu nghiêm trọng.
Trong những năm gần đây, việc lấy nước tưới cho cây càphê sau khi thu hoạch bằng phương pháp tưới tràn không còn phổ biến như trước nữa. Thay vào đó, các chủ vườn sử dụng máy bơm động lực tưới trực tiếp vào từng gốc cây theo một lượng nước nhất định, nước không tràn chảy tự do và lượng phân bón vẫn được giữ lại trong từng gốc cây.
Cách này làm giảm lượng nước tiêu tốn, tính ra mỗi hecta chỉ sử dụng từ 2.400-2.500m3 nước và tiết kiệm được một nửa lượng nước so với phương pháp tưới tràn trước đây.
Khẳng định hiệu quả việc tưới tiêu vườn cây càphê bằng bơm động lực, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp chuyên canh cây càphê trên địa bàn đều đầu tư mua máy bơm với công suất lớn để thâm canh tăng năng suất vườn cây.
Ông Hồ Trí Thế - Trưởng phòng Quản lý nước thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết trong vụ tưới này, bước đầu công ty đã hỗ trợ 50 triệu đồng và cộng thêm nguồn ngân sách của huyện mua 10 máy bơm nước cấp cho 10 hộ đồng bào dân tộc nghèo ở vùng Ia Sao (huyện Chưpảh) để tưới cho cây càphê./.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 28-4, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian gần đây, nhiều ngư dân ở huyện ven biển Lộc Hà đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm kiếm những nguồn lợi thủy sản mới như ốc mỡ, sứa biển góp phần bù đắp sự thiếu hụt của các nguồn lợi thủy sản truyền thống, như mực, cá cơm, ruốc, cá trích…

Vừa duy trì tốt mô hình sản xuất truyền thống, vừa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, những nông dân thứ thiệt đã trở thành triệu phú nhờ trồng rau.

Toàn huyện Lai Vung có khoảng 8ha diện tích trồng ớt. Vụ thu đông này ớt trúng mùa, năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha; tuy nhiên cách nay 1 tháng, giá ớt đã giảm mạnh, ớt sừng trâu, trái to có giá từ 30 - 32 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 10 ngàn đồng/kg.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết đầu tháng 8-2013 sẽ phối hợp với một số tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước bắt đầu tổ chức khởi động triển khai dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” với tổng kinh phí khoảng 2,37 triệu euro (tương đương hơn 64 tỉ đồng).

Một số nhà vườn trồng sầu riêng tại các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TX.Long Khánh (Đồng Nai) cho hay, giá sầu riêng bán tại vườn đang dao động ở mức 22-23 ngàn đồng/kg, cao hơn vụ trước khoảng 4-5 ngàn đồng/kg.