Tiền Giang: Phụ Phẩm Rơm Bắt Đầu Có Giá

Trước đây, bà con nông dân ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thường "giải quyết" rơm - một phế phẩm trong nông nghiệp bằng cách đốt bỏ. Thế nhưng hiện nay, rơm lại đắt hàng, có giá hơn vì có thể phục vụ trồng rẫy, làm thức ăn cho bò...
Từ nhu cầu trồng rẫy...
Nếu ở huyện Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước..., rơm là gánh nặng cho bà con nông dân sau mỗi vụ thu hoạch lúa vì không biết phải xử lý như thế nào, đặc biệt là vào mùa mưa bão, thì ở huyện Chợ Gạo, đặc biệt là ở xã Thanh Bình rơm được bà con trồng rẫy săn lùng...
Khi phong trào trồng rẫy trên đất ruộng ở huyện Chợ Gạo phát triển thì nhu cầu sử dụng rơm phủ lên líp trồng giữ ẩm cho đất cũng tăng lên. "Rơm ở đây đắt hàng lắm! Tôi trồng có một công (1.000 m2) ngò mà mấy ngày nay tìm rơm để phủ lên líp trồng cũng không có" - ông Bùi Phước Đức, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo có 0,5 công đất trồng rau ăn lá cho biết, do đặc thù líp trồng các loại rau ăn lá khác hẳn với líp trồng cây dưa hấu, dưa leo hay khổ qua nên việc sử dụng màng phủ nông nghiệp giữ ẩm cho đất không hiệu quả. Mặt khác, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây do đất giữ ẩm kém. Chính vì vậy, bà con nông dân ai cùng tìm mua rơm khiến giá "tăng vùn vụt" mà cũng không có để mua.
Không chỉ sử dụng phủ líp trồng rau, rơm còn được bà con nông dân ở các xã trong huyện tìm mua để ủ gốc thanh long. Ông Nguyễn Văn Cần, ngụ xã Thanh Bình nói: "Mấy năm nay, cây thanh long trên đất Chợ Gạo phát triển mạnh lắm! Vụ này, tôi tranh thủ tìm mua 2 ha rơm về ủ gốc thanh long nhưng cũng chỉ mua được có 1 ha rơm thôi."
... Đến làm thức ăn cho bò
Thời điểm này, trên các cánh đồng lúa ở xã Thanh Bình hễ nơi nào thu hoạch lúa là có người đến hỏi mua rơm về làm thức ăn cho bò với giá 1,5 - 1,7 triệu đồng/ha. Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu, (ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) cho biết: "Vào những tháng mùa khô, cỏ tươi hiếm lắm nên bà con ai cũng tranh thủ mua rơm trữ dùng làm thức ăn cho bò khiến giá tăng liên tục".
Theo chị Châu thì giá trị dinh dưỡng của rơm so với các loại cỏ tươi hay thức ăn đậm đặc thấp hơn rất nhiều. Thế nhưng, sau khi đem rơm ủ phân URÊ với liều lượng thích hợp thì vẫn có khả năng đáp ứng đủ dinh dưỡng cho bò, mà giá cả tính ra cũng rẻ hơn rất nhiều so với thức ăn đậm đặc.
Ngoài ra, rơm còn được các chủ xe tải chuyên vận chuyển rau củ, trái cây, đặc biệt là dưa hấu tìm mua để chêm vào các kiện hàng nhằm tránh bị dập khi vận chuyển đi xa. "Năm nào tôi cũng trữ sẵn 2 ha rơm chờ mùa dưa hấu ở xã Phú Cường và Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) đến để đi chở dưa thuê cho bạn hàng" - ông Nguyễn Văn Hùng, chủ xe tải chở thuê ngụ ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9/2014, trong hai tuần đầu tháng 10, giá xuất khẩu cao su trung bình tiếp tục giảm, chỉ đạt 1.500 USD/tấn, giảm 76 USD/tấn (4,8%) so với mức trung bình trong tháng 9/2014 và giảm 865 USD/tấn (36,6%) so với tháng 10/2013. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2014, ngành cao su xuất khẩu được 713.000 tấn, đạt khoảng 1,26 tỷ USD, giảm nhẹ về lượng 1,4% và giảm mạnh 26,2% về giá trị do giá giảm sâu 25,2%.

Ngày 22-10, ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá ngừ đại dương đi Mỹ gặp khó khăn, bị trả hàng liên tục vì cá nhiễm vi sinh như khuẩn E.Coli, Salmonella…

Đáng chú ý là tình hình sản xuất cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đang có dấu hiệu khả quan, giá cá tra tăng nên người nuôi đã bắt đầu có lãi. Cụ thể, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL trong 10 tháng đầu năm ước đạt hơn 7.000 ha với sản lượng 890 ngàn tấn.

Tuần qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại đồng loạt tăng giá khoảng 5.000 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục tăng sau khi giảm giá hơn 10.000 đồng/kg vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước tình hình này, nông dân có ao tôm nuôi chuẩn bị thu hoạch vô cùng phấn khởi bởi hứa hẹn một vụ tôm được mùa trúng giá.

Theo Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15/10/2014, đã có 08/41 nhà máy đường đi vào sản xuất. Các nhà máy đã ép được 416 nghìn tấn mía, sản xuất được 36,8 nghìn tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng múa ép tăng 64 nghìn tấn, lượng đường tăng 7,1 nghìn tấn.