Thủy lợi hóa đất màu bằng hệ thống ống kín

DÙ nằm dưới thân đập chính hồ Phú Ninh nhưng từ nhiều năm nay, hầu hết hộ dân của 6 thôn Phú Ninh, Trà Lang, Đồng Nghệ, Ngọc Bích, Bình Hòa và Thọ Tân (xã Tam Ngọc) gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước tưới để phục vụ sản xuất lúa và hoa màu.
Những năm trước đây, gần 1ha đất gò đồi của ông Đinh Văn Tiếc ở thôn Đồng Nghệ (xã Tam Ngọc) chỉ sản xuất được một vụ đông xuân nhờ tận dụng nguồn nước trời, còn vào mùa khô, tình trạng thiếu nước trầm trọng khiến đất đai nứt nẻ, khô cằn, không loại cây cối nào sinh trưởng, phát triển được.
Hơn 100ha đất sản xuất trong khu vực cũng cùng chung cảnh ngộ, khiến đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đinh Văn Tiếc kể, mấy chục năm nay, người dân đã tìm đủ mọi cách để bơm nước từ sông Tam Kỳ lên khu vực đất gò để sản xuất nhưng giải pháp này không mang lại hiệu quả lâu dài do chi phí quá lớn, kèm theo nguy cơ nước sông nhiễm mặn. Không còn cách nào khác, nông dân phải đứng nhìn cảnh đất đai bỏ hoang phí.
Từ tháng 7.2013, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ phối hợp với Chi cục Khai thác thủy lợi Quảng Nam và Sở NN&PTNT tiến hành khảo sát và xây dựng công trình thủy lợi hóa đất màu bằng hệ thống ống tưới kín cho xã Tam Ngọc, trị giá 7,1 tỷ đồng, dẫn nước về tận chân ruộng, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế cho nông dân địa phương.
Công trình ống tưới kín có tổng chiều dài hơn 7,6km, được nối từ kênh chính Nam hồ chứa nước Phú Ninh đến thôn Thọ Tân (xã Tam Ngọc), trong đó tuyến ống chính dài gần 4,9km và hơn 2,7km tuyến ống nhánh. Toàn bộ tuyến ống được bố trí kiên cố và chôn ngầm trong đất. Hiện nay, công trình đã hoàn thành được hơn 2,7km tuyến ống chính và đưa nước về tới các tuyến ống nhánh của thôn Đồng Nghệ và Trà Lang.
Với hy vọng nước sẽ về tưới mát cho những mảnh vườn khô cằn, nhân dân địa phương ai cũng phấn khởi tự nguyện hiến đất đai, vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng để công trình sớm hoàn thành. Bà Phạm Thị Điểu (người dân thôn Trà Lang, xã Tam Ngọc) phấn khởi nói: “Thời gian qua, có cán bộ về vận động nên bản thân tôi cũng có biết được chủ trương của Nhà nước về xây dựng đường ống dẫn nước tưới tiêu cho ruộng vườn.
Đường ống đi qua một góc sân nhà nên gia đình đã tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến hàng chè tàu và mấy chục cây chuối, mít để sớm có nước về cho nhân dân cùng hưởng”.
Ông Nguyễn Nhơn - Bí thư Đảng ủy xã Tam Ngọc chia sẻ, sự đồng thuận từ phía nhân dân chính là động lực để ngành chuyên môn phấn đấu hoàn thành công trình vào cuối năm 2015, mang lại nguồn nước tưới ổn định, góp phần giúp nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất hoa màu, không chỉ tăng giá trị kinh tế trên một diện tích mà còn cân bằng môi trường sinh thái, cải thiện đời sống.
Có thể bạn quan tâm

Trong nuôi thủy sản ta chú ý đến màu giả của nước nhiều hơn, vì qua đó có thể đánh giá sơ bộ môi trường nước đó giàu hay nghèo dinh dưỡng.

Qua hơn 10 tháng thực hiện mô hình nuôi tôm nước tĩnh từ sự liên kết của Hội Thuỷ sản TP Cà Mau với Công ty Tôm giống Dương Hùng, trung bình mỗi hộ thu nhập trên 30 triệu đồng/ha, một số hộ thu trên 50 triệu đồng/ha.
Quyết định 24/QÐ-UBND, năm 2014 của UBND tỉnh Cà Mau, cho sên vét đất, bùn thải cải tạo ao, đầm nuôi tôm quanh năm, làm mâu thuẫn giữa các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến và hộ nuôi công nghiệp ngày càng gay gắt.

Việt Nam có thế mạnh ngư nghiệp, nhưng nguyên liệu phục vụ chế biến ngành thủy sản đã có dấu hiệu phải nhập khẩu ở một số mặt hàng chủ lực thời gian gần đây.

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2015 sắp kết thúc, một kinh nghiệm rút ra đối với người nuôi và ngành chuyên môn là quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn đối với tôm sú được đánh giá là hiệu quả cao, hạn chế rủi ro.