Thương lái tranh mua nấm rơm Đồng Nai

Đồng Nai nổi tiếng với nghề trồng nấm như: nấm mèo, bào ngư, nấm sò, nấm rơm…
Trong đó, nấm rơm rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Các hộ dân ở đây dùng nguyên liệu 100% là rơm và quá trình cấy meo, chăm sóc không phun xịt bất cứ loại thuốc hay hóa chất nào.
Không đủ bán
Anh Nguyễn Văn Kiên (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), cho hay: “Nấm rơm năm nay tăng giá bất ngờ, vì thường chỉ vào dịp cận Tết mới có giá cao”.
Vụ này gia đình anh trồng 2 sào nấm rơm, được thương lái mua hết với giá 72.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lời gần 30 triệu đồng một sào.
Nấm rơm tăng giá giúp nhiều người trồng thu lợi nhuận cao.
Còn gia đình chị Lê Thị Thảo (xã Xuân Phú, huyện Xuận Lộc), hào hứng cho biết: “Nấm rơm ở vùng này hiện làm không đủ hàng để bán, khiến thương lái luôn tranh nhau mua.
Gia đình tôi đang thu hoạch 3 sào nấm để giao cho bạn hàng, sau khi trừ chi phí chắc cũng lời được gần 100 triệu đồng”.
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết, một số địa phương khác trồng nấm rơm bị ngập do lũ nên khan hiếm hàng, đẩy giá nấm rơm ở Đồng Nai lên cao.
Dần khẳng định thương hiệu
Ông Lê Hùng (một thương lái chuyên mua nấm rơm Đồng Nai đưa đi tiêu thụ ở TP HCM và một số tỉnh thành khác), nhận định: “Nấm rơm trồng ở Đồng Nai được bạn hàng và người tiêu dùng đón nhận bởi mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon đặc trưng. Ngoài ra, bà con nơi đây dùng nguyên liệu thiên nhiên 100% để trồng nấm và không dùng hóa chất nên người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng”.
Cụ thể, nấm rơm trồng tại Đồng Nai được nông dân tận dụng mùn cưa từ trồng nấm mèo, bào ngư trộn với rơm để làm. Với nguồn nguyên liệu rơm dồi dào, nhiều hộ dân ở đây trồng nấm rơm quanh năm. Nấm rơm có ưu điểm là từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 1 tháng. Song cũng có nhược điểm là một mảnh đất chỉ trồng nấm rơm được 1 lần nên các hộ trồng nấm phải thường xuyên di chuyển tìm nơi thuê đất.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), cho biết: “Nghề trồng nấm rơm tuy vất vả nhưng cho thu nhập cao. Nếu chăm sóc tốt có thể lời gần 30 triệu đồng một sào mỗi tháng.
Chúng tôi bảo đảm không dùng thuốc kích thích tăng trưởng và hóa chất để nấm mau lớn, mà chỉ dùng rơm ngoài đồng rồi ủ men cho nấm mọc tự nhiên”.
Hiện không chỉ nấm rơm tăng giá mạnh mà nhiều loại nấm khác ở Đồng Nai cũng đang tăng cao.
Theo khảo sát, nấm rơm đen tại chợ đang có giá 120.000 đồng/kg, nấm rơm trắng khoảng 90.000 đồng/kg, bào ngư đen 70.000 đồng/kg, bào ngư trắng 40.000 đồng/kg. Đây thực sự là tín hiệu vui đáng mừng cho những hộ dân trồng nấm tại Đồng Nai.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 19/02/2013, tại hội trường khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ thuộc ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật nuôi cá chẽm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Khoa Thủy Sản - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Chi cục Thủy sản Hậu Giang tổ chức buổi tập huấn “Kỹ thuật ương nuôi cá chẽm” cho hơn 30 cán bộ kỹ thuật và nông dân các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu, Vĩnh Viễn A.

Một số nông dân tại các vùng nuôi cá nước ngọt lớn thuộc TP. Biên Hòa, các huyện Định Quán và Trảng Bom cho hay, giá cá nước ngọt, như: chép, điêu hồng, lóc, rô đồng bán tại bè, ao, hồ đang giữ khá cao. Cụ thể, cá chép khoảng 45 - 46 ngàn đồng/kg, điêu hồng 40 - 42 ngàn đồng/kg, rô đồng từ 35 - 36 ngàn đồng/kg…

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, nghề chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh ở một số huyện và trở thành nghề làm giàu cho một bộ phận người dân ngoại thành Hà Nội. Tổng đàn bò sữa của toàn thành phố hiện có 10.868 con với sản lượng sữa đạt 92,6 tấn/ngày.

Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra để chế biến xuất khẩu tại ĐBSCL có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. Các doanh nghiệp cho rằng giá cá tra tăng, một phần là do nguồn cá đang dần khan hiếm do nhiều người nuôi tại khu vực này đã “treo ao”.

Nhiều doanh nghiệp lớn và chuyên gia trong ngành thủy sản cho rằng, năm 2013 là thời điểm khó khăn cho cá tra nhưng cũng là cơ hội tái cấu trúc ngành từ khâu nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu.