Thừa Thiên Huế Mất Lạc, Được Dưa

Trong khi vụ lạc Đông xuân 2013-2014 mất mùa mất giá, thì nhiều nông dân lại được mùa dưa hấu.
Lạc mất mùa, rớt giá
Phong Sơn là địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất toàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Vụ lạc Đông xuân 2013-2014 không chỉ mất mùa mà còn mất giá khiến nhiều hộ lao đao. Chị Trần Thị Tuyết ở thôn Cổ Bi trồng 5 sào, nhưng chưa bao giờ lại có năng suất thấp như Đông xuân này.
Mỗi sào thu hoạch chưa đầy 1 tạ, giảm khoảng 0,3 tạ/ha; giá lạc hiện nay chỉ 14-15 ngàn đồng/kg, giảm 4-5 ngàn so với nhiều vụ trước nên không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền mất mùa, rớt giá là thực trạng chung đối với các địa phương ở huyện Phong Điền. Vụ Đông xuân 2013-2014, toàn huyện gieo trồng khoảng 1.200 ha lạc, tập trung chủ yếu các xã: Phong Sơn, Phong Mỹ, Phong An, Phong Hòa, Phong Hiền...
Năng suất lạc bình quân chỉ đạt 18 tạ/ha, giảm đến 6 tạ so với vụ đông xuân trước, do thời tiết thất thường, sâu bệnh gây hại từ đầu đến cuối vụ. Giá lạc bị rớt khiến nhiều hộ trồng thua lỗ, lâm vào cảnh lao đao. Nguyên nhân lạc rớt giá là do thị trường Trung Quốc nhập khẩu với số lượng rất ít. Nhiều lái buôn e ngại không thu mua sản phẩm của người dân, hoặc chỉ mua với số lượng ít chủ yếu để dự trữ.
Vụ lạc Đông xuân 2013-2014 ở huyện Quảng Điền cũng lâm vào cảnh tương tự. Toàn huyện gieo trồng khoảng 800 ha lạc, năng suất bình quân chỉ đạt 17-18 tạ/ha. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường, hạn hán gay gắt, tình hình sâu bệnh xảy ra triền miên.
Mặc dù có nhiều biện pháp ứng phó, nhưng do bà con nông dân còn thiếu chủ động trong chăm sóc, bón phân hợp lý, nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh chưa hiệu quả đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Được mùa dưa hấu
Trong khi các hộ trồng lạc gặp khó khăn vì mất mùa, mất giá thì nhiều hộ trồng dưa hấu lại có được vụ mùa bội thu. Tại xã Phú Diên (huyện Phú Vang), có gần 20 hộ mạnh dạn chuyển đổi 3 ha lúa ven phá thường xuyên bị hạn, mặn, năng suất thấp sang trồng dưa hấu trong vụ đông xuân.
Bà con đưa giống dưa mới có nguồn gốc từ Thái Lan vào trồng không chỉ đạt năng suất cao, mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Giống dưa hấu trên chống chịu sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt rất tốt, mỗi sào thu nhập 3,5 triệu đồng, lãi 600 ngàn đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang, vụ dưa hấu vừa qua, toàn huyện trồng khoảng 25 ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cát ven biển và đầm phá, như Phú Diên, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Thanh... Bình quân mỗi ha cho thu nhập trên 70 triệu đồng, lãi 12 triệu đồng.
Tại Quảng Điền, gần đây nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cây trồng, lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu. Vụ dưa vừa qua, hàng trăm hộ trồng dưa hấu ở các xã: Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Công, Quảng Ngạn... được mùa lớn. Ông Dương Long ở xã Quảng Ngạn cho biết, gia đình ông trồng bốn sào thu nhập hơn 12 triệu đồng, lãi 2,4 triệu đồng.
Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền chia sẻ, trồng dưa hấu là đối tượng đang được nhiều hộ các xã vùng cát, ven phá quan tâm. Vụ dưa vừa qua, các địa phương trồng trên 20 ha, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 10 triệu đến trên 20 triệu đồng. Vui hơn, là thị trường tiêu thụ dưa rất mạnh. Các lái buôn đưa xe vận tải đến tận các đồng dưa để thu mua nên bà con không lo đầu ra.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ Đông xuân 2013-2014, toàn tỉnh gieo trồng 3.160 ha, giảm 148 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà... Năng suất bình quân chỉ đạt 17,58 tạ/ha, giảm khoảng 6-7 tạ so với vụ Đông xuân trước.
Trồng dưa hấu đang trở thành mô hình góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu. Dưa hấu là loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết khắc nghiệt, như nắng hạn, vùng đất cát khô cằn đã mang lại năng suất cao. Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa, các cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Vụ hè thu 2014, nhiều địa phương tiếp tục chuyển đổi các diện tích lúa năng suất thấp sang trồng dưa hấu; riêng tại xã Phú Diên (Phú Vang) mạnh dạn chuyển đổi hơn 30 ha sang trồng giống dưa hấu có nguồn gốc Thái Lan.
Có thể bạn quan tâm

Theo đó, Đồng Tháp xin mua tạm trữ khoảng 350.000 tấn quy gạo từ nay đến hết ngày 15-3-2015 và tạm trữ trong thời gian bốn tháng. Vụ đông xuân 2014-2015, Đồng Tháp đã thu hoạch xong 35% diện tích và sẽ thu hoạch rộ vào tháng ba. Nhưng từ đầu tháng hai tới nay lúa thu hoạch khó tiêu thụ và rớt giá.

Trong khi đó, giá heo hơi tại các trang trại vẫn tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tết. Ngày 10-2, giá heo hơi tại các công ty lớn được niêm yết ở mức 46.000 đồng/kg trong khi ở các hộ nuôi nhỏ thấp hơn 1.000-2.000 đồng/kg.

Hiện giá hành tím được bán từ 30.000-35.000 đồng/kg, cao hơn ngày thường nhiều lần. Cũng theo bà Quýt, mặc dù tết này nông dân trồng hành bị mất mùa nhưng đa số đều đã được hướng dẫn trồng lại mới kịp thời. “Hành mới trồng phát triển rất tốt, dịp sau tết người dân thu hoạch sẽ có lời” - bà Quýt nói.

Bộ NN-PTNT giao Cục Trồng trọt căn cứ vào yêu cầu về chủng loại hạt giống lúa, ngô để chuyển cho các đơn vị dự trữ xuất, cấp cho các tỉnh bao gồm: tỉnh Lạng Sơn (200 tấn hạt giống lúa và 100 tấn hạt giống ngô); Quảng Trị (100 tấn hạt giống lúa và 70 tấn hạt giống ngô); Phú Yên (600 tấn hạt giống lúa và 55 tấn hạt giống ngô); Khánh Hòa (300 tấn hạt giống lúa và 12 tấn hạt giống ngô); Ninh Thuận (200 tấn hạt giống lúa và 30 tấn hạt giống ngô).

Trong đó, đối với cá tra, diện tích nuôi của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tháng này đạt 2.100ha, tăng 0,8% và sản lượng ước đạt 24.000 tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Một số tỉnh có diện tích và sản lượng cá tra tăng cao như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, trong đó, Bến Tre đạt sản lượng lớn nhất vùng, tăng 15% so với cùng kỳ.