Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu Nhập Khá Nhờ Trồng Rau VietGAP

Thu Nhập Khá Nhờ Trồng Rau VietGAP
Ngày đăng: 23/10/2014

Huỳnh Văn Tâm, ấp Tân Xã, xã Long Hòa (TX. Gò Công) được biết như 1 xã viên tiêu biểu sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm sau khi trừ chi phí sản xuất, ông thu lãi gần 100 triệu đồng.

Ghé thăm 1.500 m2 đất đang phủ một màu xanh tươi mơn mởn của cải ngọt, rau dền, mồng tơi... của gia đình ông Tâm, mới thấy được hiệu quả thiết thực của việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại.

Trước đây, gia đình ông có 6.000 m2 đất chủ yếu trồng lúa và luân canh rau màu theo thời vụ, thấy loại nào giá cao trồng ngay loại đó. Năm 2006, HTX Rau an toàn Gò Công ra đời, ông mạnh dạn tham gia vào HTX và chuyển 1.500 m2 đất lúa sang chuyên canh rau an toàn.

Theo ông Tâm, trồng rau an toàn không khó, muốn sản xuất được cần phải siêng năng, tuân thủ theo quy trình sản xuất, có sổ ghi chép lịch thời vụ hẳn hoi. Mọi thứ từ nhà lưới, giống cây trồng, phân bón đến đường ống dẫn nước tưới... đều được HTX hướng dẫn hỗ trợ làm đúng quy trình.

Ông chỉ lo tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng rau, bảo đảm rau thu hoạch phải sạch, phải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng được yêu cầu của HTX đưa ra thì bảo đảm sản phẩm do mình làm ra có nơi tiêu thụ, nhiều lúc sản lượng rau còn không đủ để cung cấp cho HTX.

Ông Tâm cho biết: “Lúc đầu tham gia HTX, tôi còn hơi phân vân và cứ nghĩ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ gây khó khăn trong khâu sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và cả năng suất thấp. Thế nhưng, khi sản xuất vụ đầu tiên thì năng suất tương đương như sản xuất rau tự do trước đây, những vụ sau có kinh nghiệm, năng suất cao hơn rất nhiều.

Không những thế, sản xuất rau theo  tiêu chuẩn VietGAP còn giảm được 20 - 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, thời gian cách ly sau khi bón phân, phun thuốc từ 10 - 15 ngày mới thu hoạch nên chất lượng rau bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo  ông Tâm, sản xuất rau an toàn theo VietGAP thì nước tưới là một trong những tiêu chí quan trọng, bảo đảm cho rau phát triển tốt. Vì vậy, nước tưới phải được lấy từ những nguồn nước sạch.

Khi khoan giếng để lấy nước phải kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng nước, tránh mạch nước chứa kim loại nặng hoặc nước bị ô nhiễm như nước thải từ khu dân cư, bệnh viện, nước phân tươi... để tưới rau, vì dễ dẫn đến rau không phát triển được, năng suất sẽ bị giảm, thậm chí rau còn có thể bị chết héo.

Nếu tuân thủ đúng các quy trình sản xuất của GAP thì bảo đảm rau sản xuất ra sẽ cho năng suất cao, đáp ứng đủ điều kiện để HTX thu mua.

Từ khi vào HTX đến nay, ông luân phiên trồng  bầu, bí, mướp, rau muống, rau thơm và các loại cải... Hiện tại, với 1.500 m2 đất mỗi ngày ông cung cấp cho HTX từ 50 - 100 kg rau, những ngày cao điểm lên đến 200 kg. Hàng năm sau khi trừ chi phí sản xuất, ông thu lãi gần 100 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với cây lúa.

Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX Rau an toàn Gò Công, cho biết: “Trước hiệu quả thiết thực mang lại cho xã viên trong việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, bảo đảm  việc tiêu thụ rau của bà con một cách tốt nhất, giá cả có lời để bà con an tâm khi tham gia vào HTX..., góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho bà con trong vùng”.


Có thể bạn quan tâm

Yến Sào “Made In... Hue” Yến Sào “Made In... Hue”

Mới đây, qua kết quả khảo sát thực địa của PGS Tiến sĩ Võ Văn Phú, Khoa Sinh học Đại học Khoa học Huế cho thấy rằng, nguồn chim yến tự nhiên ở vùng Huế không thua kém các tỉnh duyên hải phía Nam.

07/09/2013
Làm Giàu Từ Dê, Táo Làm Giàu Từ Dê, Táo

Xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là vùng đất thuần nông. Sau cây lúa, cây nho, mô hình gia trại trồng táo-nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua, đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo.

07/09/2013
Phải Xử Lý Mạnh Những Cơ Sở Nuôi Cá Da Trơn Gây Ô Nhiễm Môi Trường Phải Xử Lý Mạnh Những Cơ Sở Nuôi Cá Da Trơn Gây Ô Nhiễm Môi Trường

Ông Trần Công Danh - Trưởng Ban KTNS - HĐND tỉnh Bến Tre (người đi đầu) đang phúc tra trại nuôi cá da trơn của Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Hương tại ấp Tiên Lợi (Tiên Long - Châu Thành).

09/09/2013
Quản Lý Giống Thủy Sản Năm 2013 Quản Lý Giống Thủy Sản Năm 2013

Năm 2013, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bến Tre tiếp tục gặp khó khăn do sự thay đổi thất thường của thời tiết, giá thủy sản thương phẩm không ổn định, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, môi trường nuôi suy thoái,…

09/09/2013
Nông Dân Bị Chiếm Dụng Vốn Nông Dân Bị Chiếm Dụng Vốn

Đến thời điểm hiện tại, ngành cá tra Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước khi duy trì được mức tăng ổn định. Tuy nhiên, do có quá nhiều đầu mối xuất khẩu, trong bối cảnh khủng hoảng thừa, hàng hóa tồn kho, sản xuất cầm chừng, các doanh nghiệp đã phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến nông dân gánh chịu mọi thiệt thòi.

09/09/2013