Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Trồng Chôm Chôm Xen Xoài Đài Loan

Do tình trạng các loại cây trồng được mùa mất giá, nên bà con nông dân ở xã Mỹ Lương (Cái Bè, Tiền Giang) đã trồng nhiều loại cây xen kẽ trong vườn nhằm "an toàn hóa thu nhập" khi có biến động về thời tiết, giá cả. Tiêu biểu có mô hình trồng chôm chôm xen xoài Đài Loan của anh Phạm Văn Lương ở ấp Lương Ngãi.
Trước đây, 6 công vườn của anh Lương trồng bưởi lông xen lẫn những loại cây tạp, không mang lại hiệu quả kinh tế, một phần do đất thoái hóa không thích hợp trồng cây có múi, phần do giá cả xuống thấp, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Năm 1999, anh mạnh dạn chặt bỏ những cây này để thay bằng cây chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái. Hiện vườn chôm chôm được hơn 12 năm tuổi, trái sai, đang cho thu hoạch rộ đúng ngay vào thời điểm giá bán cao, vụ này ước tính hơn 11 tấn trái. Thương lái vào tận vườn mua với giá từ 13 - 19 ngàn đồng một ký chôm chôm đường, từ 16 - 22 ngàn đồng một ký đối với chôm chôm Thái (tùy vào thời điểm).
Năm 2007, anh Lương thấy thị trường tiêu thụ xoài Đài Loan mạnh, trong khi kỹ thuật chăm sóc lại đơn giản, sau khi tham khảo một số mô hình, anh đã mua 200 gốc xoài Đài Loan trồng xen thử nghiệm vào vườn chôm chôm của mình.So với các loại cây ăn trái khác, xoài Đài Loan là loại cây trồng khá mới, nhưng cho năng suất, hiệu quả cao. Một trái xoài trọng lượng bình quân khoảng 1,1 kg/trái. Ưu điểm của xoài Đài Loan là dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, khi ra hoa là đậu, không đổ, rụng trái như những xoài khác, ăn sống rất ngon, có vị thanh, bùi, giòn; đặc biệt là trồng trong rập cũng có trái và cho trái quanh năm, giá dao động từ 12 - 25 ngàn đồng/kg.
Mô hình trồng xen này đã giúp gia đình anh Lương tăng lợi nhuận khá cao trên cùng đơn vị diện tích, trung bình mỗi năm anh thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng. Kinh nghiệm trồng cây ăn trái được anh Lương học hỏi từ các buổi tập huấn, hội thảo và tự tích lũy vốn kiến thức qua nhiều năm, mang áp dụng vào vườn của mình đem lại hiệu quả cao. "Là nông dân, không phải trồng cây gì, hay nuôi con gì đều là chắc ăn. Vì vậy, phải chuẩn bị tư thế để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở thời điểm phù hợp. Nông dân mình có thói quen là cây gì dễ trồng thì không quan tâm chăm sóc, hoặc trồng chăm sóc cầm chừng nên cây không tốt, năng suất không cao. Với tôi, nếu cây không hiệu quả thì chuyển đổi ngay" - anh Lương tâm sự.
"Những năm gần đây, phong trào trồng xen canh cây ăn trái trong vườn ở xã Mỹ Lương phát triển khá mạnh. Một phần là nhờ Hội Nông dân xã tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp và thường xuyên mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Đặc biệt là Hội đã quan tâm nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, bằng cách tổ chức cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm. Qua đó, nông dân đã áp dụng vào sản xuất và bước đầu đã mang lại thành công. Nhờ mô hình trồng xen cây chôm chôm với xoài Đài Loan mà gia đình anh Phạm Văn Lương đã xây dựng ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi và anh được chính quyền các cấp công nhận "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" nhiều năm liền" - ông Huỳnh Văn Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Mỹ Lương cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Lần đầu tiên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty Syngenta tổ chức trồng lúa theo mô hình GroMore (giải pháp tích hợp cây lúa giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho người nông dân). Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được xem là thiết bị liên lạc hiện đại nhất hỗ trợ tàu cá hành nghề trên biển. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sử dụng, ngư dân không mấy mặn mà vì cho rằng nó không phát huy tác dụng như mong đợi.

Sau nhiều vụ thả nuôi sò trên đầm Thủy Triều, nhiều ngư dân ở tổ dân phố Hoà Dò 4, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) thắng lớn. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi sò, ngư dân Lê Văn Hoàng cho biết: “Mặc dù bà con nơi đây không được chuyển giao kỹ thuật nuôi thả sò, nhưng cứ mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên vụ nào cũng lãi”.

Sử dụng thức ăn trong nuôi trồng thủy sản ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường nước vùng đầm phá. Ở Chi hội nghề cá Cồn Hạc Châu (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bà con ngư dân nuôi tôm, cá sử dụng thức ăn tự nhiên góp phần làm sạch môi trường nước.

Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều đồng tinh rằng việc nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra là cách bảo đảm cho người nuôi có lãi, hạn chế rủi ro khi nguồn nguyên liệu dư thừa hay thiếu hụt đẩy người nuôi cá nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.