Thử Nghiệm Thành Công Thiết Bị Câu Cá Ngừ Đại Dương Made In Bình Định

Bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương (CNĐD) do nhóm nghiên cứu đề tài: “Cải thiện chất lượng cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định” thuộc Sở NN-PTNT nghiên cứu, chế tạo đã được ngư dân xã Tam Quan Bắc áp dụng vào thực tế, bước đầu đạt hiệu quả khả quan.
Lần đầu tiên sản phẩm cá ngừ đại dương đã được câu bằng bộ thiết bị do nhóm nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định” của Sở NN-PTNT chế tạo.
Trên cơ sở bộ thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản đã được UBND tỉnh mua và cấp cho ngư dân xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), nhóm nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định” đã nghiên cứu và chế tạo bộ thiết bị câu CNĐD mới và đã chuyển giao cho ngư dân Nguyễn Quê, ở xã Tam Quan Bắc áp dụng trên tàu cá BĐ 96776 TS.
Kết quả, sau 23 ngày bám biển, đến sáng ngày 4.11, tàu cá ông Quê đã cập Cảng cá Quy Nhơn với kết quả khả quan. Chuyến biển này, tàu cá của ông đã câu được 48 con cá ngừ, tổng sản lượng trên 2,5 tấn.
Ông Nguyễn Quê, cho biết: Thiết bị câu CNĐD do Nhóm nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định” chế tạo cơ bản giống như máy câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản mà tỉnh ta đã hỗ trợ. Sản lượng cá thu được khá nhiều, chất lượng sản phẩm tương đối tốt. Toàn bộ số lượng cá được Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình Định thu mua với giá cao hơn so với cá đánh bắt, bảo quản thông thường. Cá có trọng lượng từ 30 kg/con trở lên được thu mua giá 115.000 đồng/kg, cá ngừ nhỏ dưới 30 kg/con có giá 94.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Thiết bị câu CNĐD chuyển giao cho ngư dân bao gồm: Máy thu câu, bộ xung gây tê liệt cá (Shocker)... giá thành sản xuất khoảng 50 triệu đồng, chỉ bằng 1/4 so với giá thiết bị nhập từ Nhật Bản. Bước đầu thử nghiệm cho thấy, ngư dân vận hành máy tốt, ổn định và đạt kết quả khả quan.
“Tuy nhiên, để máy hoạt động tốt hơn và được nhân rộng thì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, khắc phục một số khuyết điểm nhỏ. Sau đó, chúng tôi sẽ trang bị máy câu cho cho các tàu cá của ngư dân ở xã Tam Quan Bắc tham gia mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi để tiếp tục ra khơi khai thác cá ngừ chính vụ để tiếp tục đánh giá kết quả của bộ thiết bị”, ông Hào nói.
Có thể bạn quan tâm

Vụ nuôi tôm năm 2014 toàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) có 55 ha diện tích nuôi tôm, chủ yếu ở các phường Đông Giang, Đông Lễ, Đông Lương với số lượng hơn 21 triệu con tôm giống.

Theo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam bộ, thời gian qua, tình trạng các bè cá đóng trái phép trên tuyến luồng hàng hải sông Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày càng có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này tập trung nhiều ở khu vực từ phao báo hiệu hàng hải số 18 đến khu vực phao báo hiệu hàng hải số 20.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang tiếp tục hoàn thành các hạng mục của Dự án trang trại 1.600 con bò sữa tại xã Tu Tra, Đơn Dương (Lâm Đồng), dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2015. Với tổng diện tích hơn 49,3ha, trang trại được quy hoạch trồng cỏ trên 40ha; còn lại gồm diện tích đất chuyên dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đất sản xuất nông nghiệp khác.

Được đánh giá là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, hồ tiêu đang dần chinh phục ngưỡng kim ngạch xuất khẩu đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, để hạt tiêu nhỏ bé ngày càng tăng kim ngạch xuất khẩu thì rất cần một chiến lược dài hạn nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này.

Thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina (Hoàng Long Vina) đồng hành cùng chương trình thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, góp phần nâng cao năng suất lúa, mía, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.