Thu Hàng Trăm Triệu Đồng Từ Ba Ba

Từ một hộ nghèo nhất xã, nhờ nuôi ba ba, đến nay gia đình ông Nguyễn Tất Đạt (thôn Đồi Cao I, xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang - thành quả của vợ chồng ông sau nhiều năm nuôi ba ba, ông Đạt kể: “Cơ duyên của tôi với ba ba cũng tình cờ. Khi còn trong quân ngũ, có lần về Hải Dương công tác, qua nhà bạn chơi, thấy ba ba dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, tôi mê luôn. Lập tức tôi nhờ bạn dạy cách nuôi ba ba...”.
Về nhà, ông Đạt bàn với vợ, chuyển 1 sào ruộng trồng lúa kém chất lượng, rồi mua thêm đất của hàng xóm. Khi đã có gần 4.000m2 đất, ông vay ngân hàng 20 triệu đồng, bắt tay đào ao, xây chuồng trại, mua hơn chục cặp ba ba về nuôi. “Song, vụ thu hoạch ba ba đầu tiên tôi gần như trắng tay do thiếu kiến thức nên ba ba bị bệnh chết gần hết” - ông Đạt nhớ lại.
Lúc đó, nhiều người khuyên ông nên dừng lại. Ông nghĩ, mới thất bại lần đầu mà đã nản thì không thể làm giàu được... Vậy là ông về các trang trại ở Hải Dương, Sơn La, Yên Bái học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm tài liệu về ba ba để nghiên cứu. Rồi ông tiếp tục vay vốn ngân hàng, bạn bè, người thân để mua ba ba giống về thả nuôi. Công sức của ông đã được đền đáp. Lứa ba ba lần này ông thu về hàng chục triệu đồng, giúp ông tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại thêm 1.500m2 mặt nước.
Ngoài nuôi ba ba thương phẩm, ông còn nuôi ba ba giống. Ba ba của ông Đạt giờ đây đã có tiếng không chỉ ở Ninh Bình mà còn được bạn hàng ở các tỉnh lân cận biết đến. Hiện, trong vườn nhà ông có 5 ao nuôi ba ba, trong đó có 2 ao nuôi ba ba đẻ và 3 ao nuôi ba ba thương phẩm. Mỗi năm ông đưa ra thị trường hàng trăm con ba ba thương phẩm và hàng ngàn con ba ba giống, thu về hàng trăm triệu đồng.
Trang trại của ông còn tạo việc làm cho 4 - 5 lao động ở địa phương. Ngoài ra, ông còn thường xuyên giúp ba ba giống và hướng dẫn cách nuôi, chăm sóc cho các cựu chiến binh và các hộ khó khăn trong xã. Nhờ sự giúp đỡ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, có của ăn của để.
Bà con có nhu cầu mua ba ba giống, ba ba thương phẩm và tư vấn kỹ thuật nuôi ba ba, liên hệ với ông Nguyễn Tất Đạt qua số ĐT: 01667132705v
Có thể bạn quan tâm

Nông dân xã Mỹ Đức (Châu Phú - An Giang) phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò mang lại lợi nhuận khá cao. Bà Huỳnh Thị Phụng khoe: “Tôi trồng được 4 công cỏ voi. Từ nguồn cỏ này, hằng ngày gia đình nuôi vỗ béo 5 con bò thịt. Vừa rồi, bán cặp bò thịt với giá 40 triệu đồng, lời gần 20 triệu đồng”.

Cá lóc (cá chuối/cá quả) và cá rô đầu vuông là hai loài cá tự nhiên, thịt thơm ngon được nhiều người ưa thích. Do môi trường sống ngày càng thu hẹp và bị khai thác quá mức khiến cho hai loài này ở ngoài tự nhiên càng trở nên khan hiếm, nhiều nơi có nguy cơ cạn kiệt.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, kết quả kiểm tra môi trường nước và bệnh trên tôm nuôi gần đây cho thấy, vi khuẩn Vibrio có mặt ở hầu hết các mẫu nước sông và mẫu nước ao nuôi, khi hàm lượng oxy trong ao thấp, tôm sẽ ăn ít hoặc ăn chậm dẫn đến dư thừa thức ăn trong ao, tích tụ khí độc…

Cùng với các loại cây có múi giá trị kinh tế cao như sầu riêng hạt lép, cam sành..., hiện nay, bưởi da xanh trên địa bàn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) giá tăng mức kỷ lục, được nhà vườn chăm sóc chu đáo để nâng cao mức sống gia đình từ lợi thế của loại trái cây này.

Ông Nguyễn Văn Cường (50 tuổi) ở thôn 5, xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk) là người rất đam mê nghề nuôi thuỷ sản. Trước đây, gia đình chỉ quen nuôi các loại cá thông thường, nhưng thời gian gần đây, ông mạnh dạn nuôi cá lăng đuôi đỏ là loại đặc sản của địa phương và đã cho thu nhập khá.