Thông Tin Về Sữa Ế Tại Xã Phù Đổng, Huyện Gia Lâm, Hà Nội Đã Bước Đầu Thu Mua Ổn Định

Như tin báo Kinh tế & Đô thị đã đưa, tình trạng sữa tươi sản xuất ra không tiêu thụ hết tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và một số địa phương khác đã khiến cho người chăn nuôi lo lắng. Ngày 12/1, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã có buổi làm việc với các hộ sản xuất và DN để tìm hướng tháo gỡ. Đến nay, tình hình thu mua sữa đã bước đầu đi vào ổn định.
Tại xã Phù Đổng thời điểm này, người chăn nuôi bò sữa đã yên tâm hơn trong phát triển sản xuất vì lượng sữa làm ra được tiêu thụ hết. Ông Nguyễn Văn Thảo, thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng chia sẻ, trước đây cứ khoảng 2 - 3 ngày, gia đình ông lại bị DN thu mua "cắt" trả lại 7 - 8kg sữa.
Nhưng từ sau buổi làm việc giữa các bên, phía Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) đã thu mua hết toàn bộ số sữa của gia đình khoảng hơn 50kg mỗi ngày. "Dù giá thu mua chỉ 12.000 đồng/kg, vẫn thấp hơn mức giá của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhưng chúng tôi cũng rất phấn khởi vì vất vả nhiều công sức lắm mới làm ra được một cân sữa" - ông Thảo chia sẻ.
Theo HTX Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Phù Đổng, ngay sau khi HTX và Sở NN&PTNT có ý kiến, Công ty IDP đã lên kế hoạch tiêu thụ hết lượng sữa làm ra cho bà con nông dân.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hữu Hòa - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Phù Đổng khẳng định, không có tình trạng nông dân đổ bỏ sữa ra đường như một số tờ báo đã nêu. Ông Hòa cho biết thêm, dạo trước, khi Công ty IDP không thu mua hết sữa, các hộ chăn nuôi thường mang lượng sữa dư thừa này nhờ anh em, họ hàng tiêu thụ giúp và sử dụng trong gia đình.
Tuy nhiên, đến nay tình trạng này đã không còn xảy ra. Việc thu mua hết sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi thể hiện thiện chí của phía Công ty IDP chia sẻ khó khăn cùng bà con nông dân. Tuy nhiên, điều băn khoăn của nhiều nông dân Phù Đổng là hiện nay mức giá thu mua của IDP thấp hơn so với các DN sữa khác. Hơn nữa, tiền trả cho người chăn nuôi cũng chậm khoảng gần 2 tháng.
Ông Nguyễn Hữu Hòa chia sẻ, người chăn nuôi rất cần vốn để đầu tư thức ăn cho bò sữa, trong khi nguồn vốn của HTX chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. "Nếu Công ty chỉ chậm trả tiền trong thời gian 5 - 7 ngày còn có thể chấp nhận được, nhưng nợ gần 2 tháng là quá lâu" - ông Hòa bày tỏ.
Thêm một khó khăn khác cho người chăn nuôi là đầu ra của những con bò mới bắt đầu giai đoạn cho khai thác hiện nay. Bởi phía Công ty IDP chỉ thu mua lượng sữa của những con bò cho khai thác từ giai đoạn trước. Do vậy, nhiều nông dân kiến nghị, ngành NN&PTNT cùng với DN sữa tiếp tục có hướng tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi bò sữa, đảm bảo chăn nuôi ổn định, bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Đoàn chuyên gia nông nghiệp Mỹ vừa có chuyến khảo sát, đánh giá về tình hình trồng mắc ca tại Tây Nguyên, theo đề án phát triển mắc ca của Công ty Cổ phần Him Lam…

Theo ước tính, mỗi năm ngành chè Việt Nam tự làm mình thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng và đang đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng. Sử dụng thuốc BVTV chưa an toàn là một trong những nguyên nhân mang tính cốt tử, ảnh hưởng lớn nhất đến thực trạng này.

Nhiều hội viên nông dân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cảm phục mỗi khi nhắc đến ông Phan Văn Thành (SN 1939), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã bởi sự năng động, nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân, nhạy bén trong phát triển kinh tế.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản đã và đang được xã hội quan tâm, nhất là người tiêu dùng. Trong đó rau ăn lá, củ, rau gia vị là thế mạnh của tỉnh với sản lượng khá lớn, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu.

Duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm cam mang chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, đây được xác định là thách thức lớn, đồng thời là giải pháp trọng tâm nhằm củng cố những giá trị bền vững giúp cam Cao Phong (Hòa Bình) phát triển trở thành một thương hiệu mạnh.