Thôn Thủy Trầm Phát Triển Nghề Sản Xuất Rau Giống

Thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê là một trong những địa phương có truyền thống sản xuất cây rau giống không chỉ để cung cấp cho các xã trong địa bàn huyện, mà còn đưa ra các địa bàn lân cận và các tỉnh phía Bắc. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên vụ đông năm nay toàn thôn có gần 7ha sản xuất cây rau giống, tập trung chủ yếu ở các khu: 1,2,3. Từ nghề này nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên làm giàu.
Hiện nay toàn thôn có gần 600 hộ tham gia làm rau giống. Hàng năm cứ vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 âm lịch người dân trong xã tổ chức làm đất ươm cây giống. Các giống chủ yếu được ươm như: Bắp cải, xu hào, cà chua, suplơ, xà lách, rau cần, rau mùi. Hạt giống có xuất xứ từ Nhật Bản, được mua tại thị xã Phú Thọ, hoặc các cơ sở đáng tin cậy ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc.
Cây rau giống được khoảng 20-25 ngày thì có thể xuất bán. Chị Trần Thị Loan là người có thâm niên gần 20 năm sản xuất rau giống, mỗi năm rau gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chị Loan cho biết: Hiện nay, khu 3 của chị có 224 hộ sản xuất rau giống, mỗi vụ cung cấp cho thị trường hàng chục vạn cây giống. Giá bình quân từ 25.000 đến 30.000 đồng/một trăm cây rau con; mỗi hộ thu nhập từ 10-14 triệu đồng/sào, từ 50 đến 80 triệu đồng/năm.
Cùng anh Nguyễn Xuân Lượng - cán bộ thống kê xã Tuy Lộc đến thăm gia đình anh Trần Văn Lượng ở khu 2 thôn Thủy Trầm là hộ sản xuất cây rau giống lớn của xã, với thâm niên sản xuất cây rau giống từ những năm 1987. Anh Lượng cho biết: Trồng rau giống yêu cầu có vốn lớn, tốn công và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều so với trồng rau đơn thuần.
Mặc dù rau giống cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng rau thương phẩm nhưng sản xuất vất vả, đòi hỏi người trồng phải am hiểu và trong quá trình sản xuất phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Nếu không cẩn thận, chỉ một lỗi nhỏ trong quy trình sản xuất là rau giống có thể chết hoặc bị bệnh hại dẫn đến mất trắng.
Không chỉ sản xuất cây giống bảo đảm chất lượng, anh Lượng còn tích cực hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc từng loại cây cho bà con đến mua rau giống, sao cho cây trồng đạt năng suất, hiệu quả cao nhất. Từ phát triển cây rau giống đã tạo việc làm cho người dân địa phương, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Trong thời gian tới Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo mở rộng diện tích phát triển cây rau giống, giao Hội nông dân xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề tỉnh mở các lớp tập huấn về phát triển rau an toàn, từ đó từng bước hình thành vùng chuyên canh rau của huyện.
Với kinh nghiệm lâu năm về kỹ thuật thâm canh các loại giống rau nên chất lượng rau giống ở thôn Thủy Trầm ngày càng được khẳng định. Tin tưởng rằng nghề trồng rau giống sẽ ngày càng phát triển, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời tác động tích cực tới việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm

Hiện sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nhiều hộ nông dân ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã mạnh dạn đầu tư thu mua nguyên liệu rơm để làm nấm an toàn. Nghề này đang đem lại cho bà con thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Đời sống kinh tế - xã hội của xã Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh) trong những năm gần đây đã có những thay đổi đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm (năm 2011 là 25,28%, đầu năm 2012 là 22,18%, phấn đấu năm 2013 còn khoảng 18%). Mặc dù hiện tại, gần 80% số hộ gia đình ở Hoành Mô có mức sống từ trung bình trở lên nhưng công tác giảm nghèo vẫn luôn được xã chú trọng, coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Xã đã đưa nhiều mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả vào sản xuất. Trong đó mô hình nuôi gà Tiên Yên của ông Phan Ngọc Sinh, thôn Đông Thành, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) là một ví dụ điển hình.

Nhiều nông dân ở xã Trí Phải (H.Thới Bình, Cà Mau) có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ tận dụng bờ bao vuông tôm để trồng mía.

Trong những ngày đầu tháng 10/2012, Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai mô hình thực nghiệm nuôi gà bằng chế phẩm thiên nhiên cho 2 hộ dân thuộc xã Hòa Thành. Số gà được nuôi theo mô hình này là 1.500 con gà Lương Phượng.

Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu được nhiều kết quả khả quan, được bà con nông dân ngày một nhân rộng. Mô hình này khá đơn giản, không cần nhiều diện tích, tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho bà con mùa lũ.