Mô Hình Trồng Mía Trên Bờ Vuông Tôm

Nhiều nông dân ở xã Trí Phải (H.Thới Bình, Cà Mau) có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ tận dụng bờ bao vuông tôm để trồng mía.
Ông Nguyễn Văn Sự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Phải, cho biết qua thử nghiệm, giống mía ROC 16 phát triển rất tốt trên đất bờ vuông tôm nên ngày càng có nhiều hộ dân trong xã tận dụng bờ vuông tôm trồng mía.
Đơn cử như hộ ông Trần Thanh Nam, ở ấp 6. Năm 2011, ông Nam trồng thử nghiệm khoảng nửa công mía trên đất bờ vuông tôm, đến cuối năm thu hoạch bán được được hơn 8 triệu đồng. “Thấy gia đình thằng bạn trồng mấy bụi mía trên bờ vuông tốt quá chừng nên tôi bèn dọn cỏ, xới đất bờ vuông trồng thử. Ai dè làm chơi, ăn thiệt. Vậy mà từ trước tới giờ mình bỏ đất hoang không trồng mía, uổng ghê! Năm nay gia đình tôi trồng mía và bí rợ hết đất bờ vuông của mình”, ông Nam nói.
Năm nay, gia đình ông Nguyễn Khải Hoàng (cũng ở ấp 6) vui như hội vì có thêm 30 triệu đồng từ 2.000 m2 mía trồng trên bờ vuông tôm. Ông nói: "Mỗi năm, 2 ha đất nuôi tôm của gia đình cho thu nhập chỉ khoảng 60 triệu đồng từ tiền bán tôm. Trong khi chỉ một vụ mía, gia đình tôi đã có thu nhập đến 30 triệu đồng. Như vậy, so với độc canh con tôm, hoặc trồng lúa trên đất muôi tôm thì cây mía mang lại thu nhập cao hơn. Ngoài ra, nếu trồng mía trên bờ vuông còn khỏi phải tốn tiền mướn dọn cỏ”.
Cà Mau là tỉnh có diện tích đất nuôi tôm lớn nhất nước. Diện tích đất bờ vuông tôm bỏ trống cũng rất nhiều. Đây thực sự là tiềm năng lớn cho phát triển diện tích mía và hoa màu cũng như cây mía, tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân.
Tới đây, ắt hẳn mô hình trồng mía trên bờ vuông tôm của nông dân xã Trí Phải sẽ được bà con nông dân các địa phương khác học hỏi, áp dụng để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Việc tái canh cà phê khó khăn không chỉ là vấn đề tổ chức sản xuất, thiếu vốn đầu tư mà còn hạn chế trong việc tìm ra các giải pháp kỹ thuật tổng hợp có cơ sở khoa học và đáp ứng nhu cầu thực tế. Cụ thể, 85% diện tích cà phê tại Đắk Lắk do người dân trực tiếp quản lý và sản xuất nên việc quản lý, đánh giá chất lượng vườn cây chưa đầy đủ.

Hầu hết thanh long - còn được gọi là Pitaya - nhập khẩu vào Ấn Độ đến từ Việt Nam. Chính việc thay đổi hình thức vận chuyển từ đường hàng không sang đường biển đã dẫn đến việc lượng thanh long nhập khẩu vào Ấn Độ gia tăng theo cấp số nhân. Điều này đã làm giảm chi phí vận chuyển từ 150 rupi/kg xuống còn 20 rupi/kg.

Trước đây, với mong muốn thoát nghèo, ông Bằng cũng đã tổ chức sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, mãi đến năm 2012, qua tìm hiểu, ông đã mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty cổ phần C.P Việt Nam (Bình Dương) và vay vốn ngân hàng để tổ chức chăn nuôi heo theo quy mô trang trại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Vài năm trước, những người muốn tìm mua giống gà Đông Tảo thường phải bỏ công tìm nơi cung cấp, có người phải lặn lội về tận xứ của giống gà “tiến vua” này ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nhưng hiện nay, không thiếu DN, nông dân tham gia sản xuất con giống gà Đông Tảo.