Thoát Nghèo Nhờ Trồng Bông Thiên Lý

Gia sản chỉ có 2 công đất rẫy nên cuộc sống gia đình ông Thạch Vươl (58 tuổi, ngụ ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) luôn luẩn quẩn trong vòng nghèo khó. Năm 2013, một người em sống ở TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn trồng cây thiên lý để bán bông. Và nhờ đó, gia đình ông Vươl thoát nghèo.
Ông Thạch Vươl mua 40 gốc thiên lý về trồng, đến 4 tháng sau thì bông nở rộ. Cứ 3 ngày ông Vươl lại hái một lần, mỗi lần gần 3 kg. Trung bình, mỗi ki-lô-gam bông thiên lý có giá từ 30.000 - 40.000 đồng. Năm 2013, bông thiên lý đem lại cho ông thu nhập trên 50 triệu đồng.
Thấy nguồn lợi từ bông thiên lý khá ổn, ông Vươl liền tách nhánh nhân rộng lên 100 gốc. Cách 3 ngày thì ông thu hoạch được 10 kg bông. Để có nguồn tiêu thụ liên tục, ông chủ động bỏ mối cho thương lái ở các chợ. Nhờ vậy, gia đình ông tạo được nguồn thu ổn định và chỉ trong thời gian ngắn đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Thạch Vươl chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng cây màu, song giá cả bấp bênh lại phải tốn nhiều công chăm sóc. Có lúc giá quá thấp nên tôi đành phải nhổ bỏ. Từ ngày chuyển sang trồng thiên lý, cuộc sống gia đình tôi dần ổn định. Thiên lý rất dễ trồng, ít sâu hại. Chỉ cần đắp giồng cao, làm giàn cho cây leo, tưới phân và nước đúng theo liều lượng thì cây sẽ cho bông quanh năm”.
Bông thiên lý chứa nhiều dinh dưỡng, được nhiều nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống đặt mua, nên giá cả ổn định hơn các loại hoa màu khác. Trồng bông thiên lý được xem là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả dành cho những hộ nông dân ít đất.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 7-7, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2015 và kết quả 1 tháng áp dụng Giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm cho đăng ký Hợp đồng xuất khẩu theo Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Đó là định hướng quy hoạch phát triển thủy sản được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020.

Tiền Giang có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi thủy - hải sản. Nhìn nhận thực tế từ những năm qua cho thấy, nghề nuôi trồng thủy sản đã có những giai đoạn phát triển rất "nóng", tập trung vào nuôi tôm công nghiệp, cá tra, cá bè hay nhuyễn thể.

Tính đến ngày 27-6-2015, các doanh nghiệp trong cả nước đã ký được hợp đồng xuất khẩu 475.294 tấn cá tra các loại, trong đó Trung Quốc và Hồng Kông chính thức vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tính đến thời điểm này, theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius).

Hội nhập nền kinh tế thế giới vừa là cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức với ngành chăn nuôi của mỗi quốc gia khi hàng rào thuế quan xóa bỏ, thuế xuất nhập khẩu các loại sản phẩm sẽ trở về “con số 0”.