Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Ếch

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng thêm nguồn thu cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo ở địa phương, trong đó, mô hình nuôi ếch đầu tư ít, dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, đang ngày càng có nhiều nông dân áp dụng.
Điển hình như mô hình nuôi ếch của hộ ông Nguyễn văn Đề, ấp số 7, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long (Trà Vinh), ông là người đầu tiên ở địa phương thực hiện mô hình nuôi ếch công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đề cho biết, năm 2011 trong một chuyến đi thăm bạn bè, ông Đề thấy có mô hình nuôi ếch công nghiệp đạt hiệu quả, về nhà ông quyết định làm theo. Ông tận dụng khu vườn nhà với diện tích trên 42m2 để làm bể nylon nuôi trên 1.500 con ếch thịt, bể nuôi được thiết kế bao quanh bằng lưới mùng ở phía trên, và bạt nylon ở phía dưới (để chứa nước cho ếch trú ẩn).
Giống ếch hiện nay gia đình ông đang nuôi là ếch Thái Lan, có kích cỡ lớn từ 200 đến 400 gam/con. Lúc nhỏ ông nuôi với mật độ 100 con/m2, lúc lớn ông san ra, với mật độ khoảng 40 con/m2.
Ông cho ếch ăn bằng thức ăn công nghiệp, cho ăn 1 ngày 3 lần. Theo ông, nếu có điều kiện cho ăn ban đêm thì ếch mau lớn hơn. Trong quá trình nuôi ông đã tuyển chọn ra một số con ếch khỏe làm con giống.
Cuối năm 2012, ông đã bán được trên 4 tấn ếch thương phẩm, với giá 35.000 đồng/kg, ông thu được hơn 140 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán được hơn 15.000 con ếch giống cho bà con xung quanh có nhu cầu nuôi, với giá 1.000 đồng/con, gia đình thu được hơn 15 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông còn hơn 1.000 con ếch thương phẩm đang chuẩn bị xuất bán và 300 con ếch giống.
Ông Đề cho biết: “Nuôi ếch này không khó, chỉ cần lưu ý một số bệnh thường gặp như bệnh đường ruột, bệnh trướng hơi, phòng bệnh kịp thời bằng cách xử lý nước thường xuyên, không để nước quá bẩn”.
Với việc chuyển đổi vật nuôi đúng hướng, tin rằng đây sẽ là điều kiện để bà con nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình, góp phần tạo thêm công ăn việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Khoảng 1 tháng trở lại đây, nhiều người dân nuôi cá lồng tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) lo lắng, khi nhiều lồng nuôi, cá liên tục bị chết.

Theo thông tin từ địa phương, hiện nay trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đang bắt đầu vào mùa khai thác nghêu giống và nghêu thịt.

Nông dân các xã Mỹ Hòa, Mỹ An và Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thực hiện mô hình nuôi ếch Thái thương phẩm mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng/hộ.

Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cho biết, đến nay đã có 202/332 hộ nuôi cá bè di dời đúng vị trí theo Dự án quy hoạch làng cá bè phù hợp với cảnh quan sông Đồng Nai. Số hộ nuôi cá bè tập trung chủ yếu tại các phường: Tân Mai, Thống Nhất và xã Hiệp Hòa.

Ngày 7-5, Sở NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức Hội thảo “Các nguyên tắc và thực hành tốt trong tiếp cận phối hợp liên ngành phát triển bền vững Vịnh Hạ Long, thí điểm áp dụng với hoạt động thủy sản”. Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo.