Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Ếch

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng thêm nguồn thu cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo ở địa phương, trong đó, mô hình nuôi ếch đầu tư ít, dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, đang ngày càng có nhiều nông dân áp dụng.
Điển hình như mô hình nuôi ếch của hộ ông Nguyễn văn Đề, ấp số 7, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long (Trà Vinh), ông là người đầu tiên ở địa phương thực hiện mô hình nuôi ếch công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đề cho biết, năm 2011 trong một chuyến đi thăm bạn bè, ông Đề thấy có mô hình nuôi ếch công nghiệp đạt hiệu quả, về nhà ông quyết định làm theo. Ông tận dụng khu vườn nhà với diện tích trên 42m2 để làm bể nylon nuôi trên 1.500 con ếch thịt, bể nuôi được thiết kế bao quanh bằng lưới mùng ở phía trên, và bạt nylon ở phía dưới (để chứa nước cho ếch trú ẩn).
Giống ếch hiện nay gia đình ông đang nuôi là ếch Thái Lan, có kích cỡ lớn từ 200 đến 400 gam/con. Lúc nhỏ ông nuôi với mật độ 100 con/m2, lúc lớn ông san ra, với mật độ khoảng 40 con/m2.
Ông cho ếch ăn bằng thức ăn công nghiệp, cho ăn 1 ngày 3 lần. Theo ông, nếu có điều kiện cho ăn ban đêm thì ếch mau lớn hơn. Trong quá trình nuôi ông đã tuyển chọn ra một số con ếch khỏe làm con giống.
Cuối năm 2012, ông đã bán được trên 4 tấn ếch thương phẩm, với giá 35.000 đồng/kg, ông thu được hơn 140 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán được hơn 15.000 con ếch giống cho bà con xung quanh có nhu cầu nuôi, với giá 1.000 đồng/con, gia đình thu được hơn 15 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông còn hơn 1.000 con ếch thương phẩm đang chuẩn bị xuất bán và 300 con ếch giống.
Ông Đề cho biết: “Nuôi ếch này không khó, chỉ cần lưu ý một số bệnh thường gặp như bệnh đường ruột, bệnh trướng hơi, phòng bệnh kịp thời bằng cách xử lý nước thường xuyên, không để nước quá bẩn”.
Với việc chuyển đổi vật nuôi đúng hướng, tin rằng đây sẽ là điều kiện để bà con nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình, góp phần tạo thêm công ăn việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Nông dân trồng mía tại ĐBSCL đang rất phấn khởi do thu hoạch mía bán được giá cao hơn từ 200 - 300 đồng/kg so với hồi đầu vụ ép mía 2015 - 2016 (thời điểm tháng 9-2015) và tăng hơn bình quân khoảng 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 4-11, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị công tác bảo vệ thực vật miền Trung - Tây Nguyên và chỉ đạo phòng chống bệnh hại hồ tiêu.

Một trong những đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai là trà Phú Hội. Trà trồng trên vùng đất thuộc xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) dù nấu lá uống tươi hay uống trà đã sao, phơi khô cũng đều thơm ngon, đậm đà hơn hẳn trà ở nơi khác.

Thời gian qua, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động như: Nuôi gà công nghiệp, bò sữa, trồng rau màu, ổi không hạt, chanh bông tím...

Có thời điểm tin gỗ sưa đỏ “đắt như vàng” khiến cho những khu rừng ở Nam Đông (Thừa Thiên Huế) nhộn nhịp người kiếm tìm, lục lọi. Tuy cây sưa thưa dần trên những cánh rừng nguyên sinh nhưng loại cây được xem là quý hiếm này lại được trồng nhiều trong các mảnh vườn hộ gia đình.