Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Bò Sữa

Nuôi bò sữa, nhiều hộ dân ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Trở lại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng những ngày này mọi người đều cảm nhận được khát vọng mãnh liệt vươn lên thoát nghèo của bà con nơi đây. Nhiều bà con cho biết, nhờ mô hình chăn nuôi bò sữa của dự án do Canada tài trợ, một trong những chương trình an sinh xã hội trợ giúp cho hộ nghèo và cận nghèo đã giúp cuộc sống của bà con được cải thiện rất nhiều.
Là một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình, chỉ sau một năm tham gia, gia đình anh Lý Đa Va ở xã Phú Mỹ đã thoát nghèo bền vững, không còn lam lũ, mưu sinh khắp nơi như trước đây. Anh cho biết đang nuôi 4 con bò sữa, lợi nhuận rất khá. Hiện có 2 con bò đang cho sữa, lúc cao điểm có thể cho hơn 30 lít sữa mỗi ngày, lợi nhuận thu vào khoảng 250 nghìn đồng.
Anh Lý Đa Va phấn khởi cho biết: “Nghèo, được nhà nước hỗ trợ tiền để mua bò sữa, mua về cũng cho gia đình tôi thu nhập khá giả. Khi nhà nước chưa hỗ trợ tiền mua bò sữa, gia đình tôi rất nghèo. Có bò sữa giúp cuộc sống gia đình tôi ổn định, con cái được học như người ta”.
Chung niềm vui này còn có gia đình của anh Tăng Sáu, nhờ vật nuôi này mà anh đã có một mái ấm và cuộc sống ổn định như hôm nay. Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây anh Sáu kể: trước đây gia đình nghèo, chỉ có 2 công đất, phải đi làm mướn đủ nghề mà vẫn không đủ ăn. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ được hỗ trợ bò sữa mà cuộc sống gia đình được cải thiện.
Hiện nay, anh Sáu đã phát triển đàn bò lên 5 con, có 3 con bò đang cho sữa, lợi nhuận mà anh có được mỗi tháng từ sản phẩm sữa khoảng 10 triệu đồng. Anh Sáu còn cho biết, khi mới lập gia đình rất vất vả, phải đi làm thuê nhưng lúc nào cũng không đủ ăn. Bây giờ có bò nuôi, lời, đỡ nhiều. Bò sữa vừa cho sữa lại vừa cho con bê”.
Theo tính toán của bà con, trung bình mỗi con bò sữa cho gần 15kg sữa/ngày, bán với giá 12.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lời khoảng 150 nghìn đồng. Ngoài nguồn thu từ sữa, bà con còn có điều kiện phát triển đàn bò từ những đàn bê sau khi sinh. Ông Danh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho rằng, đây là mô hình rất triển vọng trong thực hiện xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Với lợi thế là vật nuôi ít dịch bệnh, thị trường sữa lại ổn định, thức ăn chủ yếu là cỏ và phụ phẩm nông nghiệp nên chỉ cần bỏ công lao động là có thể thực hiện được. Nghề chăn nuôi bò rất phù hợp với hộ dân nghèo, cận nghèo, hộ không đất sản xuất. Cũng theo ông Danh Hiền, nhờ quản lý và chăm sóc tốt nên đàn bò sữa của địa phương hiện đang phát triển rất mạnh: “So với bò vàng, bò sữa cho hiệu quả hơn. Chúng tôi hiện nay đang nhân rộng khắp nơi toàn xã Phú Mỹ. Xã có 7 ấp, đã có 5 ấp tham gia với hơn 400 con”.
Với những hiệu quả kinh tế đã khẳng định trong thời gian qua, bò sữa đang là niềm hy vọng, là chìa khóa của rất nhiều hộ dân nghèo xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung trong quá trình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ những vật nuôi, cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và tập quán chăn nuôi của người dân địa phương...
Có thể bạn quan tâm

Huyện Điện Biên có khoảng 1.000ha cây ăn quả, chủ yếu là chuối, vải, hồng đỏ, táo, đào Pháp, thanh long, xoài, cam, quýt. Nhờ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây ăn quả trồng tập trung ở khu vực lòng chảo trên diện tích đất vườn lớn hoặc trồng xen kẽ tại khu vực bãi màu.

Trong những chuyến công tác tại các xã vùng cao, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thực sự phấn khởi khi chứng kiến nhiều công trình hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho nhân dân các dân tộc. Diện mạo ấy có sự “trợ sức” không nhỏ từ chương trình mang tên 135 giai đoạn III…

Những nơi đã trồng cây vụ thu, vụ thu đông cần tập trung ưu tiên nạo vét kênh tưới tiêu, đầu khâu, đầu luống, chuẩn bị các phương tiện tiêu úng nhanh, kịp thời khi xảy ra tình huống ngập lụt. Các địa phương chủ động liên hệ với Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên cung ứng, chuẩn bị giống ngô, khoai tây, rau màu để cung ứng nhanh cho sản xuất; triển khai rút nước, gieo trồng cây ưa ấm ngay sau bão tan.

Huyện Thanh Bình với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển một số nông sản như ớt và cây lúa, hoa màu…, đến nay một số nông sản này từng bước được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn khiêm tốn chưa tạo sức bật cho nông sản thế mạnh này…

Theo thông tin từ Trại giống Tân Khánh Đông, đây là những giống hoa triển vọng cho hiệu quả kinh tế cao, rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, nhờ được lai tạo bằng công nghệ nuôi cấy mô nên các loại hoa này có nhiều ưu điểm hơn so với nhân giống theo kiểu truyền thống như: cây khỏe, sạch bệnh, chất lượng đồng đều... đặc biệt có thể nhân giống với số lượng lớn.