Thiếu Thương Hiệu Gạo VN Xuất Khẩu Không Do Thiếu Lúa Giống Chất Lượng

“Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo không thể đổ hết lỗi cho nhà khoa học, rằng Việt Nam không có được các giống lúa đủ tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu".
“Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo không thể đổ hết lỗi cho nhà khoa học, rằng Việt Nam không có được các giống lúa đủ tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu” - GS-TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết như vậy.
Có ý kiến cho rằng, ĐBSCL đang loạn giống lúa với hơn 100 giống khác nhau. Vấn đề này cụ thể như thế nào, thưa giáo sư?
- Theo tôi, doanh nghiệp (DN) cho rằng Việt Nam loạn giống lúa là chưa chính xác. Cụ thể là ĐBSCL chỉ có một số giống chủ lực như IR 50404, Jasmine 85, OM 4900, OM 6976, OM 2000... Số còn lại đóng vai trò ổn định đa dạng di truyền. Để có được bộ giống lúa như hiện nay, ngành di truyền, giống đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, với 3 giai đoạn chính.
Thứ nhất, đầu thập niên 1980, áp lực dân số tăng cao, hơn nữa sau chiến tranh, Việt Nam phải nhập khẩu gạo, ĐBSCL bắt buộc phải thực hiện cuộc cách mạng mới để tăng năng suất lúa. Viện Lúa ĐBSCL bắt đầu lai giữa các giống lúa tạo ra OM80. Sau khoảng 4 - 5 năm phát triển mạnh, OM80 bị rầy nâu tấn công dữ dội. Sau đó, có thêm giống OM 576 rất được nông dân ưa chuộng nhưng do cơm cứng nên chỉ thích hợp làm bún, bánh tráng.
Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, do đã xuất khẩu gạo trở lại nên yêu cầu hạt gạo phải dài hơn, trong suốt và không bạc bụng. Viện Lúa ĐBSCL đã lai tạo ra một số giống mới như OM 2031, OM 1706...
Đến lần đổi mới thứ ba, ĐBSCL cần những giống lúa cực sớm, dưới 100 ngày, tạo tiền đề cho việc sản xuất 3 vụ. Lúc này ĐBSCL có 2 bộ giống, A1 gồm những giống có thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày, A2 có thời gian sinh trưởng từ 110 - 120 ngày. Sau đó, có thêm bộ giống A0, gồm những giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày.
Cũng trong thời gian này, Viện Lúa ĐBSCL đã kết hợp đưa các gene thơm vào quá trình lai tạo, đồng thời, đưa tỷ lệ amilo trong gạo xuống còn 20 - 25%, tạo ra các giống lúa thơm nhẹ đang sử dụng tại ĐBSCL như OM 4900, OM 6162, OM6161, OM 7347... nhờ đó, xuất khẩu gạo phát triển vượt bậc.
Kết quả của những lần đổi mới đó cụ thể thế nào?
- Nhìn vào sản lượng lúa tại ĐBSCL có thể thấy, từ mức khoảng 4 triệu tấn những năm sau giải phóng, đến đầu những năm 2000, sản lượng lúa ĐBSCL tăng lên 19 triệu tấn và đạt khoảng 24 triệu tấn hiện nay.
Nếu không có những bộ giống như trên, ĐBSCL khó có thể đạt được thành tích như ngày hôm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng không thể đứng hàng đầu thế giới như những năm qua. Do đó, DN không thể nói rằng “lỗi là tại giống lúa”.
Vậy tại sao ĐBSCL vẫn duy trì số lượng rất nhiều giống lúa trong sản xuất, mỗi năm còn có thêm từ 15 - 20 giống mới được xác nhận, đưa vào sản xuất?
- Như đã nói ở trên, ĐBSCL chỉ có một số giống lúa chủ lực, sử dụng trên diện tích lớn, số còn lại đóng vai trò ổn định đa dạng di truyền, giúp đồng lúa hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu. Một giống lúa nếu được trồng trên diện tích vượt quá 20% sẽ gây ra áp lực rầy nâu, sâu bệnh rất lớn. Trong lịch sử phát triển, ĐBSCL cũng đã nhiều lần chứng kiến đồng lúa bị rầy nâu gây hại do sử dụng một giống đồng nhất trên diện tích lớn.
Ví dụ như những năm 1978, 1979, có đến 80% diện tích lúa ở ĐBSCL sử dụng một số giống lúa nhập từ IRRI gồm Thần Nông 732, IR 736... nên bị rầy nâu tấn công dữ dội. Mất mùa, nông dân Tiền Giang, Bến Tre, Long An phải xuống vùng Cà Mau cắt lúa mướn. Chính phủ phải dùng máy bay xịt thuốc diệt rầy nâu vì mật độ quá lớn.
Trong khi trước đó, toàn ĐBSCL có khoảng 1.200 giống lúa các loại trên diện tích đất canh tác chừng 2,1 - 2,2 triệu ha. Trước đó nữa, đầu thế kỷ 20, khi Việt Nam còn là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới với hơn 1 triệu tấn mỗi năm, miền Nam có hơn 2.200 giống nên đa dạng di truyền rất lớn. Nhờ đó, việc trồng lúa không bị sâu bệnh, nông dân không phải xịt thuốc. Nói vậy để khẳng định rằng, đa dạng di truyền rất quan trọng trong sản xuất.
Trong khi đó, Thái Lan có 10 triệu ha lúa, trong đó khoảng 5 - 6 triệu ha duy trì sản xuất lúa mùa với hàng ngàn giống. Còn lại là lúa thâm canh, trồng 2 giống gồm Pathum Thani 61 và RD 7 nên trong năm 2012, Thái Lan bị rầy nâu phá hại rất nặng, giảm đến 60% sản lượng.
Có ý kiến cho rằng, nhiều giống lúa hiện nay đạt chất lượng tốt nhưng vòng đời ngắn, nhanh thoái hóa nên không thể xây dựng thương hiệu gạo được?
- Theo tôi, DN muốn làm thương hiệu cho gạo xuất khẩu thì phải tự đặt hàng nguồn nguyên liệu cùng một giống lúa với số lượng lớn. Một khi DN có vùng nguyên liệu riêng, không thu mua gạo xáo trộn nhiều giống lúa từ hàng xáo như hiện nay thì chất lượng lúa, gạo đã khác hẳn. Còn về ý kiến giống nhanh thoái chất, chất lượng giống không đảm bảo, điều này là do DN không làm tốt nhiệm vụ sản xuất giống thương mại.
Đầu tư nghiên cứu giống còn yếuGS-TS Bùi Chí Bửu cũng cho biết, tổng vốn đầu tư cho khoa học nông nghiệp khoảng 600 tỷ đồng mỗi năm, trong đó hết 300 tỷ đồng dành trả lương cho cán bộ. Đầu tư nghiên cứu giống chiếm khoảng 60% tổng vốn nhưng vẫn rất nhỏ so với nhu cầu ngành nông nghiệp cả nước.
Cụ thể, năm 2004 chúng ta có Luật Hạt giống, trước đó, năm 1998 có Pháp lệnh giống cây trồng, theo đó, nhà khoa học chỉ có trách nhiệm làm ra giống siêu nguyên chủng (giống tác giả) và giống nguyên chủng.
Tiếp đó, giống xác nhận là do DN sản xuất để cung cấp cho nông dân. Nếu thực hiện chiến lược xuất khẩu từ hạt lúa như các nước trên thế giới, DN sẽ quan tâm tới hoạt động sản xuất lúa nguyên liệu, từ việc đầu tư sản xuất giống xác nhận đến thu mua lúa cho nông dân.
Theo giáo sư, cần bao nhiêu giống lúa chủ lực là vừa đủ cho sản xuất lúa ở ĐBSCL?
- Một giống được xem là chủ lực khi chiếm từ 200.000ha. Hiện ĐBSCL có khoảng 1,4 triệu ha lúa đông xuân, hè thu 1,7 triệu ha nữa, như vậy, chỉ cần 5 giống chủ lực là đã có 1 triệu ha gieo trồng.
Còn lại các giống khác diện tích không đáng kể, khoảng 40 - 60 giống. Ngoài ra, một số giống lúa đang sử dụng tại ĐBSCL rất được thế giới ưa chuộng như OM 4900, OM 6976... Hơn nữa, thế mạnh của Việt Nam là gạo trắng, hạt dài, do đó, gạo từ những giống này hoàn toàn có thể xây dựng được thương hiệu để có chỗ đứng ổn định trên thị trường thế giới.
Xin cảm ơn giáo sư!
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay có một số nhà máy phản ánh thiếu cá tra nguyên liệu chế biến và phải tạm ngưng sản xuất nhưng thực chất chỉ là thiếu cá đạt “size” (kích cỡ chế biến) như yêu cầu của khách hàng, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Ngày 24/4/2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Trường đại học Kaettart (Vương quốc Thái Lan) tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Charolaise. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc thường trực Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn.

Trong 10 tháng đầu năm 2012, phần lớn thời gian giá cá điêu hồng nuôi bè ở Tiền Giang nằm ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nên người nuôi cá bị lỗ nặng. Đến nay, khi giá cá điêu hồng tăng mạnh trở lại với mức 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước, thì các chủ bè lại không có cá để bán, bởi nhiều người nuôi cá điêu hồng đã phải treo bè hoặc bán bè từ những tháng trước...

Trồng cỏ nuôi bò nhốt không còn xa lạ gì với người dân nông thôn các xã vùng gò đồi huyện Cam Lộ (Quảng Trị) như Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, nhưng với bà con nông dân thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, câu chuyện chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu sang trồng cỏ nuôi bò vẫn là đề tài nóng hổi rất được quan tâm và trông đợi hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại.

Nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lại khá cao. Đó là nhận định của những hộ dân nuôi ba ba xã Cần Đăng (Châu Thành - An Giang). Đây được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả của địa phương…