Thị Trường Gỗ Nội Địa Bị Bỏ Ngỏ

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông có nhận định gì về thị trường gỗ nội địa ?- Với nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân, thị trường gỗ nội địa rất có tiềm năng, ước tính khoảng một tỷ USD/năm. Tuy nhiên, lâu nay các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và ngay cả cơ quan quản lý lĩnh vực này mới chỉ tập trung cho xuất khẩu mà chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa. Bằng chứng là cho tới nay, chúng ta vẫn chưa có một thống kê cụ thể về lượng sản phẩm gỗ tiêu thụ trong nước hàng năm; rồi nguyên liệu chính là loại gỗ gì, lấy từ đâu và chính sách để phát triển thị trường gỗ nội địa vẫn còn thiếu. Trong khi đó sản lượng, kim ngạch xuất khẩu gỗ lại được thống kê một cách rõ ràng (năm 2011 xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,1 tỷ USD). Và điều đáng buồn là chúng ta bỏ ngỏ thị trường trong nước nhưng lại phải nhập đồ gỗ về tiêu dùng.
Theo ông, đâu là "điểm yếu"lớn của việc tiêu thụ gỗ tại thị trường nội địa ?
- Hiện nay, thị trường gỗ nội địa đang thiếu hẳn hệ thống kênh phân phối một cách hoàn chỉnh, cả bán buôn và bán lẻ mà các cơ sở sản xuất vẫn phải tự sản tự tiêu. Cùng với đó, các doanh nghiệp gỗ mải mê cho xuất khẩu nên chỉ chú ý đến sản phẩm gỗ ngoại thất, tuy nhiên do đặc thù khí hậu tại Việt Nam và thói quen tiêu dùng của người Việt chủ yếu là đồ gỗ nội thất.
Vậy để phát triển thị trường trong nước, cần có giải pháp gì, thưa ông ?
- Trước hết, cần thiết lập được hệ thống kênh phân phối bài bản và rộng khắp, để đảm bảo vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Một yếu tố quan trọng nữa, là Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường gỗ nội địa. Hiện nay, thuế xuất khẩu gỗ là 0% trong khi đó gỗ nội địa lại phải chịu nhiều loại thuế hơn như thuế môn bài, thuế tiêu thụ doanh nghiệp… Rõ ràng nếu xác định được tương quan thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ có những cơ chế đúng đắn để phát triển lành mạnh các thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ cũng phải tìm cách thay đổi mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Trong đó, chú ý chuyển hướng từ đồ gỗ cao cấp sang phân khúc hàng trung bình và liên kết giữa các doanh nghiệp theo từng công đoạn để tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Xin cảm ơn ông !
Hiện nay, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế của Đức (GIZ) cùng nghiên cứu về thị trường gỗ nội địa tại một số tỉnh thành phố, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Trong đó, dự kiến tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu sẽ đi các phố đồ gỗ như La Thành, Hoàng Hoa Thám… để điều tra cụ thể.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2010, được sự giới thiệu của người thân, anh Trần Văn Lộc (SN 1974, ở thôn 5, xã Hòa Thành, huyện Krông Bông - Dak Lak) lặn lội xuống miền Tây Nam Bộ học hỏi kinh nghiệm và mua 1.000 cây giống mít siêu sớm về trồng. Sau hơn 3 năm trồng thử nghiệm, đến nay vườn cây đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) thuộc Sở NN-PTNT đã xây dựng thành công nhiều mô hình (MH) thâm canh lúa nước ở vùng cao. Trung tâm đã tiếp tục triển khai các MH mới, song bằng giống lúa thuần chứ không phải lúa lai như các năm trước.

Nuôi hươu sao lấy nhung là mô hình còn khá mới ở huyện Vân Canh. Những thành công bước đầu từ mô hình mở ra hướng phát triển đa dạng hóa vật nuôi, mang lại kinh tế cao cho người dân.

Bông lài dùng ướp trà, tạo hương vị thơm ngon hơn cho trà và được đông đảo “tín đồ trà” ưa thích. Mặc dù đây không phải là cây chủ lực trong thực hiện chuyển đổi cây trồng của địa phương nhưng chính cây bông lài cũng đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Trà Vinh.

Nhiều tiểu thương cho biết do mưa bão nên nông dân thu hoạch không đồng đều dẫn đến nguồn cung rau có lá không ổn định khiến thị trường bán lẻ tăng giá. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng rau củ Đà Lạt cũng bị thiếu hụt và ảnh hưởng giá vận chuyển có xu hướng tăng đã khiến thị trường rau củ tiếp tục tăng giá nhẹ.