Thị Trấn Vân Canh (Bình Định) Mất Mùa Chuối Tết

Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, nhưng cảnh mua, bán chuối ở chợ huyện thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) không còn tấp nập, nhộn nhịp, lượng chuối về chợ ít hơn hẳn so với những năm trước.
Lý giải về hiện tượng này, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Vân Canh, cho biết: Năm 2014 thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, sâu đục thân hại chuối, cộng với áp thấp nhiệt đới xảy ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua, đã gây thiệt hại gần 50% diện tích chuối tết của người dân địa phương.
Chuối là cây trồng cho thu nhập khá, giúp nông dân thị trấn Vân Canh ổn định cuộc sống, đặc biệt là với bà con dân tộc thiểu số. Những năm trước, thu nhập từ cây chuối không những giúp bà con trang trải cuộc sống mà còn có tích lũy để mua sắm phương tiện sản xuất và các tiện nghi sinh hoạt gia đình. Nhưng năm nay chuối bị mất mùa, người trồng chuối ở thị trấn Vân Canh mất một khoản thu nhập trong dịp Tết.
Bà Đinh Thị Tô - dân tộc Bana, ở làng Đắk Đưm, thị trấn Vân Canh - rầu rĩ cho biết, Tết năm ngoái, với 300 gốc chuối, bà thu được hơn 13 triệu đồng, năm nay chuối bị ngã đổ do sâu đục thân phá hại và chết yểu do nắng hạn kéo dài nên gia đình bà không có chuối bán trong dịp Tết này.
Còn chị Đinh Thị Ngọt, cũng ở làng Đắk Đưm, cho hay, tầm này năm trước, thu nhập từ rẫy chuối của gia đình chị được trên 8 triệu đồng; năm nay, rẫy chuối hơn 200 gốc bị áp thấp nhiệt đới làm ngã đến 70%, số lượng chuối thu hoạch không đáng kể.
Khác với tâm trạng hồ hởi, háo hức mong chờ đến phiên chợ Tết như mọi năm, bây giờ bà con nông dân trồng chuối ở thị trấn Vân Canh buồn rầu vì không có chuối bán, thu nhập giảm. Thời điểm này, thay vì bận rộn chăm sóc những buồng chuối đẹp như mọi năm để đưa ra chợ, người trồng chuối ở thị trấn Vân Canh lại chăm chỉ vun gốc, bón phân cho những rẫy chuối mới trồng lại, hy vọng năm sau mưa thuận gió hòa để có một mùa chuối tết bội thu.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chủ trương đưa cây màu xuống chân ruộng theo cơ cấu 2 vụ lúa xen 1 vụ màu, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và cải tạo độ màu mỡ đất, vụ hè thu sớm năm 2013 huyện Cai Lậy (Tiền Giang) trồng 1.115 ha màu trong đó có 276 ha dưa hấu, tập trung nhiều ở các xã Phú Cường, Thạnh Lộc và Mỹ Thành Bắc.

Diện tích ca cao bị đốn bỏ hoặc chết đến đầu tháng 7-2013 ở Bến Tre là rất lớn, khoảng 1.943ha (chết 536ha). Trong đó, thành phố Bến Tre đốn 147,11ha; Châu Thành đốn 367ha; Giồng Trôm đốn 367ha, chết 536ha; Mỏ Cày Nam đốn 14ha, Bình Đại đốn 13ha.

Theo Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (Cites Việt Nam), sau 9 năm kể từ ngày được đưa vào nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, đến nay cá tầm đã được nuôi ở cả 3 miền của đất nước.

Theo Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh ước đạt 14.250 tấn, tăng gần 1.350 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung An là một trong 11 xã nằm trong dự án Nông thôn mới của huyện Củ Chi (Tp. HCM). Do vậy, việc ưu tiên phát triển mọi mặt về kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội rất được quan tâm. Những năm gần đây, Trung An được biết đến như là một điểm du lịch sinh thái khá nổi tiếng của huyện với nhiều loại trái cây: ổi không hạt, mít Thái, măng cụt, chôm chôm…