Thêm nhiều giống lúa chịu hạn

Mới đây, Viện Bảo vệ thực vật (BVTV) và Chi cục BVTV phối hợp tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình các giống lúa chịu hạn tại xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang).
Đây là đề tài nhằm tuyển chọn bộ giống lúa chịu hạn thích nghi cho vùng Duyên hải miền Trung chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu. 30 nông dân tham gia rất hài lòng với kết quả của ruộng lúa mô hình.
Ông Hiến Văn Long (xã Vĩnh Thạnh), người làm 2ha lúa mô hình cho biết, khi bắt đầu gieo sạ, cây lúa phát triển tốt, không thấy sâu bệnh, lá xanh, hiện chuẩn bị thu hoạch và năng suất dự kiến hơn 7 tấn/ha.
Theo nhận xét của các hộ nông dân tham gia mô hình, cả 3 giống lúa thử nghiệm đều sinh trưởng và phát triển mạnh, đẻ nhánh cao, bông dài và nặng.
Tuy nhiên, còn một số ý kiến băn khoăn cho rằng, các giống lúa tuy có năng suất cao nhưng chất lượng chưa vào loại tốt nhất. Bởi hiện nay, hầu hết người dân Nha Trang đều thích dùng gạo chất lượng cao, liệu các giống lúa mới có đảm bảo được đầu ra khi được trồng đại trà.
Hội nghị đầu bờ về giống lúa chịu hạn
Theo kỹ sư Lê Quang Vịnh - cán bộ Chi cục BVTV, năm 2015, Chi cục BVTV tiếp tục phối hợp với Viện BVTV khảo sát 3 giống lúa chịu hạn là A 17, A 35 và LCH 37 ở cả 2 vụ đông xuân và hè thu, tổng diện tích 15ha. Để kiểm soát tính chịu hạn, quy trình canh tác chủ đạo là hạn chế cấp nước.
Qua thử nghiệm cho thấy, 3 giống lúa mô hình đều có khả năng chịu hạn rất tốt, phù hợp những nơi khó khăn nước tưới; năng suất các giống đều đạt từ 7,7 - 8 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng (TH 41) từ 1,3 - 1,5 tấn/ha.
Đặc biệt, giống LCH 37 có năng suất cao nhất, 7,9 - 8 tấn/ha.
“Các giống lúa chịu hạn khảo nghiệm có tiềm năng năng suất, chống chịu sâu bệnh nhưng có khuyết điểm là hay đổ ngã do tăng trưởng chiều cao mạnh, không phù hợp với những địa phương hay có mưa, gió mạnh...
Riêng ở Khánh Hòa, chúng tôi cho rằng các giống này có thể đưa vào sản xuất được ngay vì năng suất cao, phẩm chất tốt, thích nghi với điều kiện khô hạn...”, kỹ sư Vịnh chia sẻ.
Theo ngành chức năng, sản xuất lúa trong tỉnh đứng trước nhiều thách thức, năng suất lúa bấp bênh, không ổn định ở cả 3 vụ: đông xuân, hè thu và vụ mùa.
Nguyên nhân do những năm gần đây, hạn hán thường xuyên xảy ra, làm ảnh hưởng thời kỳ lúa làm đòng đến chắc nên tỷ lệ lép cao, giảm đáng kể năng suất lúa. Trong khi đó, cơ cấu giống lúa trong tỉnh chủ yếu là các giống lúa thuần, chịu hạn kém nên cần bổ sung giống lúa có khả năng chịu hạn là rất cần thiết
. Kỹ sư Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết, từ năm 2013, Khánh Hòa đã được Viện BVTV chọn điểm thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, tuyển chọn và khảo nghiệm bộ giống lúa chịu hạn thích ứng vùng Duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu”.
Mục tiêu của đề tài là chọn ra các giống lúa chịu hạn ngắn ngày, có chất lượng thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng Duyên hải miền Trung; đồng thời có năng suất cao, chất lượng tốt được người tiêu dùng chấp nhận nhằm thay thế những giống lúa thịt cũ, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh...
Việc khảo nghiệm tìm ra các giống lúa chịu hạn góp phần làm phong phú thêm cơ cấu giống lúa trong tỉnh, qua đó đưa ra nhiều giống thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu ngày một diễn biến phức tạp hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Nhận thấy thế mạnh từ loại cây ăn quả này, xã Đồng Liên đang từng bước tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích trồng cây, đồng thời đề nghị với Sở Khoa học - Công nghệ giúp đỡ phát triển thương hiệu táo Xuân 21 trên địa bàn. Trước mắt, cây táo Xuân 21 sẽ là một trong những thế mạnh để xã Đồng Liên thực hiện Đề án phát triển sản xuất theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) dịp này, ngoài gạo sạch còn nghe người dân bàn chuyện làm bưởi sạch. Làm bưởi sạch có 4 điểm lợi cùng lúc: giảm được nhiều chi phí mua thuốc trừ sâu, giảm công phun xịt, bớt ô nhiễm môi trường và người tiêu dùng yên tâm.

Chúng tôi đến 3 cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại phường 3, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) hỏi mua thuốc ngâm cho trái cây mau chín thì có 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và quả quyết trái sống, non cỡ nào mang đi ngâm thuốc thì 1 - 2 ngày sau trái cũng sẽ chín.

Cây bưởi Diễn dễ trồng, dễ chăm sóc, được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao từ 250 - 300 triệu đồng/ha. Do đó, từ những hộ dân trồng manh mún ban đầu, đến nay, xóm Đại Đồng (xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã có khoảng 60 hộ trồng bưởi Diễn với tổng diện tích trên 30 ha.

Thăm vườn đu đủ Long An ruột vàng của gia đình nông dân Dương Trường Sơn (39 tuổi), ở thôn 4, xã Tân Phúc (Hàm Tân - Bình Thuận), chúng tôi ghi nhận cách làm mới anh đang áp dụng trên vùng đất còn nhiều khó khăn. Để có vườn đu đủ xanh tốt, cho trái nhiều như hiện nay, anh Sơn trải qua bao vất vả khổ cực.