Thanh long chong đèn ở Bình Thuận giá rẻ hơn vụ mùa

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, diện tích trồng thanh long toàn tỉnh là 22.000 ha, trong đó 17.000 ha đang cho trái.
Diện tích thanh long chong đèn để sản xuất nghịch vụ chiếm 70%. Mỗi năm thanh long Bình Thuận đạt sản lượng 550.000 tấn, trong đó 75% là xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Diện tích thanh long ngày càng mở rộng, giá rẻ, nhiều hộ chỉ trong chờ vào mùa chong đèn nghịch vụ (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau) để bán được giá cao.
Nhưng năm nay, dù mới bước vào những lứa trái nghịch vụ đầu tiên, giá đã rớt mạnh chỉ còn một nửa so với năm trước. Cụ thể thanh long dạt chỉ có giá 2.000 đồng/kg, hàng xô 4.000 đồng/kg, hàng xuất khẩu chỉ 7.000 đồng/kg.
Một vườn thanh long chong đèn nghịch vụ ở xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.
Bà Phan Thị Ẩn, nhà vườn ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận cho biết, không hiểu lý do vì đâu giá thanh long chong đèn mới đầu vụ đã rớt thảm.
Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho việc chong điện, nhưng bệnh nấm trắng đang phát triển mạnh. Nhà bà Ẩn đang có 2 lứa trái sắp chín nhưng các vựa lại đưa ra mức thu mua thấp.
“Thường giá thanh long nghịch vụ luôn cao gấp 2-3 lần so với mức bình thường. Các vườn lại có thời gian thu hoạch khác nhau, sản lượng không nhiều như chính vụ.
Nhưng hiện nay, các vựa thanh long lớn trong xã đều đăng bảng mua với giá thấp. 1 kw điện sản xuất đã 3.000 đồng, nhưng 1 kg thanh long chỉ có 2.000 đồng”, bà Ẩn nói.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Hàm Chính, cho biết, lứa đầu vụ nhà ông bán xô (lớn nhỏ cân hết) giá 6.000 đồng/kg, thu về 16 triệu đồng.
Tính hết chi phí tiền điện, phân bón, thuốc, công làm vườn, số tiền trên chỉ vừa đủ chi chưa có lời.
“Thanh long rớt giá, nấm bệnh đầy vườn, trái ngược với những gì tôi tưởng tượng. Hầu hết nhà nào cũng canh ngay vụ Tết Nguyên đán. Theo chiều hướng này giá thanh long dịp Tết năm nay sẽ còn rẻ nữa”, ông Bảy cho hay.
Ở vụ chính nông dân thường lặt bớt bông để dưỡng cây thanh long chờ đến mùa chạy điện. Ảnh: Zen nguyễn
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Bình, chủ một vựa thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hiện nay, hoạt động thu mua của các vựa vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, thị trường thanh long của Bình Thuận chủ yếu là Trung Quốc. Đầu vụ chong điện năm nay, lượng đặt hàng từ Trung Quốc giảm hẳn, chính bản thân vựa cũng chưa biết nguyên nhân.
Lượng hàng ít, chi phí vận chuyển vẫn không đổi, thời gian thu hoạch của nhà vườn lại khác nhau nên vựa phải quân bình mức giá hợp lý để có thể thu mua nông sản cho người dân.
Theo anh Cường, một cò lái nông sản ở xã Hàm Mỹ, việc sản xuất thanh long nghịch vụ rất phổ biến, hộ nào cũng hạ bình biến thế để chong đèn, kích thích thanh long ra trái.
Tính ra sản lượng thu mua mùa điện không khác vụ mùa, không hiếm. Và không chỉ riêng Bình Thuận, thanh long nhiều nơi khác như Long An, Tiền Giang… đều có chong đèn, nên chủ hàng được nhiều lựa chọn, việc giảm giá là điều tất yếu.
Trên nhiều tuyến đường ở TP HCM, thanh long chỉ được chào bán 5.000 đồng/kg, dù đang là thời điểm nghịch vụ nhưng giá bán vẫn không thay đổi nhiều so với trong vụ.
Anh Lộc, bán thanh long trên đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận cho biết, thanh long ở đây được lấy tận gốc từ nhà vườn, là hàng chong đèn chính hiệu. Mỗi ngày anh bán được 100 - 300 kg, nguồn hàng luôn dồi dào.
Có thể bạn quan tâm

Hồi 7h sáng 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía bắc đảo Palawan (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) liên tiếp sụt giảm về sản lượng và diện tích thả nuôi. Tại cuộc hội thảo tổ chức vào ngày 1.11, lãnh đạo địa phương cho biết sẽ tập trung các điều kiện cần thiết để “cứu” nghề nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới. Hiệu quả thấp

Mấy năm gần đây, tận dụng nước lũ đầu nguồn về sớm và chất lượng tốt, nhiều nông dân ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nuôi tôm càng xanh trong đê bao lửng vào mùa nước nổi đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Đi đầu trong việc sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ phi vi phẩu tại Việt Nam, Trung tâm Giống Thủy sản An Giang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu về con giống chất lượng cao cho các hộ nuôi, một trong các yếu tố đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho nghề nuôi tôm càng xanh tại ĐBSCL.

Thời gian gần đây, cá rô phi xuất hiện khá nhiều ở đầm Ô Loan (Tuy An - Phú Yên) đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân.