Thành công từ mô hình nuôi cá
Ông là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương và là một trong 13 đại biểu của huyện được tuyên dương điển hình tiên tiến cấp tỉnh.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đến tham quan, trao đổi về kinh nghiệm nuôi cá của ông Sơn (bìa trái).
Hôm chúng tôi đến thăm, ông Sơn vừa mới cho xuất 3 ao nuôi cá lóc thịt (3.000m2), thu 22 tấn cá, giá bán từ 37.000 - 42.000 đ/kg.
Ông tính nhẩm, lãi khoảng 15 - 20%, bỏ túi rủng rỉnh hơn chục triệu đồng.
Hiện, ông đang nuôi cá giống sặt rằn, trê vàng, cá rô đầu vuông để cung cấp cho khách hàng ở tỉnh Hậu Giang.
Ông Sơn kể: “Vào khoảng năm 2001, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về huyện Mang Thít và nói chuyện về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tôi nhận thấy, qua bao nhiêu năm loay hoay trồng lúa nhưng không mang lại hiệu quả, tôi đã quyết định đào ao nuôi cá với mong muốn vực dậy kinh tế gia đình.
Bởi ông bà ta từng nói: “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo...”.
Nghĩ là làm, ông bắt đầu nuôi cá sặt rằn thương phẩm, rồi chuyển sang làm cá điêu hồng giống.
Theo ông Sơn, bước đầu cũng lắm gian truân, thất thoát cá rất nhiều, lại thêm chưa có kinh nghiệm nên cũng có khi trúng, khi thất.
Cũng có lúc, tới thời điểm thu hoạch cá lại rớt giá, đành chịu lỗ.
Không nản lòng, ông tìm hiểu kỹ thuật qua tài liệu và trực tiếp đi học hỏi kinh nghiệm ở một số mô hình nuôi cá.
Sau đó, chắc lọc lại thông tin, thấy nuôi con gì phù hợp với điều kiện của địa phương thì áp dụng.
Đồng thời, tùy thời điểm thích hợp, mà nuôi cá giống hay cá thương phẩm.
Qua thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lại được sự hỗ trợ của người con trai chuyên về thú y thủy sản, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm hay.
Từ đó, bắt đầu thuê thêm 1ha ao, nâng tổng diện tích lên 2ha để nuôi cá.
Sau đó, thấy làm cá bột cho lợi nhuận cao, ông lại tìm hiểu và nhanh chóng nắm vững quy trình sản xuất cá bột.
Hiện, ông còn làm cá bột sặt rằn để cung cấp cho khách hàng.
Theo ông Sơn, làm cá bột rất “mau ăn”, chỉ cần có hầm và chuẩn bị sẵn cá bố mẹ, sau 3 - 4 ngày là có thể xuất bán.
Cá giống thì cần đến 1 - 2 tháng, đạt chuẩn mới giao cho thương lái.
Nhưng nuôi cá giống lãi cao hơn cá thịt, vì chỉ 1kg thức ăn sẽ cho 1kg cá, giá bán vài chục ngàn/kg là đã có lời.
Đối với cá rô, cá sặt rằn, cá trê, giá khoảng 70.000 - 80.000 đ/kg thì lợi nhuận còn cao hơn.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đã mang lại cho ông Sơn (bìa phải) nguồn thu lớn.
Hỏi về đầu ra, ông Sơn cho biết: Trước khi bắt tay nuôi cá giống điêu hồng, ông phải tạo mối quan hệ trước với các chủ bè nuôi cá thương phẩm.
Đến khi đổ cá giống cho bè, người chủ sẽ xem xét chất lượng như thế nào.
Cụ thể là, cá phải ít hao, ăn mau, lớn nhanh.
Khi họ đã biết mình làm ăn có uy tín thì sẽ giới thiệu cho nhau.
“Nếu người mua thấy cá kém chất lượng thì lần sau mình bán rẻ cũng không ai tới tìm”- ông Sơn nói.
Nhờ uy tín và chất lượng luôn bảo đảm, cá giống của ông luôn được bà con nuôi thủy sản tin cậy, không chỉ cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn được một số thương lái mua để xuất sang Campuchia, Ấn Độ và Pakistan.
Ông Sơn cho biết thêm, để nuôi được con giống cần phải có kỹ thuật cao, cũng giống như nuôi đứa bé đòi hỏi phải chăm sóc nhiều hơn.
Chính vì vậy, quá trình nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển đều phải đúng kỹ thuật.
Trong đó, thuốc men, thức ăn và nguồn nước là mấu chốt chủ đạo, yêu cầu độ pH ổn định.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Huỳnh Văn Sơn cho rằng, thành công là nhờ liên tục cập nhật thông tin và biết áp dụng các khoa học kỹ thuật.
Quan trọng là, sản phẩm làm ra có chất lượng, đạt được yêu cầu thị trường thì mới có thể bán được và phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Cũng như nhiều gia đình khác, trước đây gia đình anh Dương Tiến Vinh, ởthôn Xuân Hòa, xã Tân Quang (Bắc Quang) thuộc diện gia đình khó khăn, kinh tế dựa trên mặt hàng kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Sau khi được sự hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT Chi nhánh huyện Bắc Quang để tăng gia sản xuất, kinh tế của gia đình anh Vinh chuyển biến rõ rệt.

Lần đầu tiên, một giống cây có chứa dưỡng chất trong dầu cá đã được lai tạo thành công bằng phương pháp biến đổi gene tại Anh.

Qua một thời gian tập trung nhiều nguồn lực và giải pháp nhằm đẩy mạnh đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ, đến nay, triển vọng đối với ngành đánh bắt xa bờ tại Ninh Thuận đang có những khởi sắc.

Sản xuất nông sản theo hướng sạch đã và đang được các nhà khoa học và ngành chức năng khẳng định là hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo các yếu tố bền vững cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng sản phẩm.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) phối hợp với Khoa Thủy sản- Trường Đại học Cần Thơ tổ chức triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống và nuôi cá lóc trong bể lót bạt” cho nông dân trên địa bàn huyện.