Thạch Don Giỏi Trồng Điều

Sau 3 lần lỡ hẹn, tôi mới gặp được ông “vua điều” Thạch Don để nghe anh kể một vài bí quyết trồng điều sao cho hiệu quả.
Mới 44 tuổi nhưng bề ngoài Thạch Don khá chững chạc. Vì sản xuất kinh doanh giỏi lại có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc nên anh được bà con bầu làm trưởng khu phố, đại diện cho 96 hộ đồng bào Khmer khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước.
Ở thủ phủ cây điều Bình Phước thì Thạch Don không phải là người có nhiều đất. Gia đình anh hiện có 11ha đất, trong đó đã có 3ha cao su, vậy mà bình quân mỗi năm vẫn thu hơn 20 tấn điều nhân.
Năm nay giá hạt điều thấp, bình quân 20.000 đồng/kg, anh thu từ cây điều được 400 triệu đồng. Còn những năm trước, mỗi năm anh thu trên 700 triệu đồng, cùng với gần 300 triệu đồng từ 3ha cao su.
Điều tôi băn khoăn là tại sao với diện tích không nhiều mà sao năng suất điều của anh vẫn cao và ổn định đến thế? “Vua điều” bật mí: Khoảng 5-6 năm về trước, cây cao su có giá, người dân đổ xô vào trồng cao su. Nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Bình Phước bị giảm nguồn cung nên đã đầu tư cho cây điều nhằm giữ mối.
Nắm thời cơ này, Thạch Don đã hợp tác với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để tìm hiểu trồng và chăm sóc giống điều cao sản gốc Ấn Độ trên 8ha.
Bước sang năm thứ tư cây điều bắt đầu ra trái, nhưng vụ đầu tiên, anh dập hết hoa không cho ra trái. Đến năm thứ 5, anh bắt đầu đầu tư phân bón, tỉa cành, phun thuốc sâu bệnh thuốc dưỡng hoa phòng ngừa sâu bệnh cho điều theo quy định.
Theo Thạch Don, cây điều không kén đất nhưng phải biết chọn giống và kỹ thuật chăm sóc. Nếu trồng điều ở những địa hình dốc, mùa khô cần tưới nước để bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho cây điều.
Do biết gắn kết giữa kỹ thuật với sản xuất, dịch vụ chế biến, tính toán chi phí giá thành hợp lý nên sản phẩm điều của anh đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Và vì vậy mà Thạch Don đã được đồng bào Khmer trong vùng tôn là “vua điều”…
Với thành tích trên, anh Thạch Don vừa được Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đề nghị Hiệp hội Điều Việt Nam trao tặng bằng khen hộ nông dân trồng điều giỏi nhất tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Quỳnh Lưu (Nghệ An) là địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn với hơn 1.320 ha. Để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi tôm trong mùa mưa bão năm nay, để người dân yên tâm sản xuất, thời điểm này, Quỳnh Lưu đang tích cực triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.

Vài năm trở lại đây nghề ương, ép cá giống ở phường Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) phát triển mạnh, góp phần nâng cao mức sống cho nhiều nông hộ, trong đó có anh Nguyễn Văn Đực ở khu phố Mỹ An.

Trong tháng 6/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) liên tiếp gửi hai công điện về nước đề cập đến quy định mới của Bộ Môi trường và Nước UAE. Đó là từ ngày 01/9/2014, tất cả các lô hàng cá nuôi XK sang UAE phải kèm theo chứng thư có nội dung “Cá nuôi không sử dụng thức ăn có chứa protein của lợn hoặc động vật khác, chỉ được sử dụng protein có nguồn gốc từ biển nhưng không bao gồm protein của cùng loài cá nuôi đó”.

Ông Hồ Văn Nhung vốn là cựu thanh niên xung phong của Nông trường quốc doanh La Ngà. Năm 1983, xuất ngũ về quê nhà ở khu phố 5, phường Đức Long, Phan Thiết, Bình Thuận. Thời điểm đó, cuộc sống gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa đông 2014 - 2015, toàn tỉnh Lào Cai có 39.000/65.000 hộ chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn cho khoảng 110.000 gia súc, chủ yếu là dự trữ nguồn thức ăn thô và thức ăn tinh.