Tây Vinh Phát Triển Chăn Nuôi

Là xã thuần nông, cứ hết mùa vụ thì người lao động ở Tây Vinh (huyện Tây Sơn) tỏa đi làm thuê tứ xứ để kiếm thêm thu nhập. Những năm gần đây, xã đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo công ăn việc làm tại chỗ, giảm dần tình trạng người lao động phải tìm việc làm thêm ở xa nhà.
Theo thống kê, toàn xã hiện có tổng đàn gia súc gia cầm trên 86.840 con, trong đó đàn trâu, bò 2.715 con; đàn heo 6.125 con; đàn gia cầm 78.000 con.
Để giúp người dân phát triển chăn nuôi, xã đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi cho bà con; các hội-đoàn thể phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư chăn nuôi. Đặc biệt là công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi được chú trọng thực hiện có hiệu quả.
Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Tây Vinh gồm nuôi nhỏ lẻ, gia trại, trang trại. Hầu hết người chăn nuôi đều tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên.
Ông Lâm Xuân Định, ở thôn An Vinh 1 cho biết, bằng việc lấy ngắn nuôi dài, đến nay gia đình ông nuôi gà thả vườn với quy mô trên 2.000 con. Sau thời gian nuôi từ 3 tháng đến 3 tháng rưỡi, gà đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,6 kg là xuất chuồng, trừ các khoản chi phí, còn lãi 20 - 25 triệu đồng/lứa.
Nhiều hộ ở Tây Vinh đầu tư chăn nuôi heo và bò lai theo hướng hàng hóa. Con bò là một trong những vật nuôi chủ lực giúp người dân Tây Vinh có nguồn thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Năm 2013, có 30 hộ dân trong xã được Dự án Cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ giống cỏ voi VD6 và phân bón để trồng cỏ làm thức ăn cho bò.
Ông Nguyễn Văn Cầu, ở thôn An Vinh 2, bộc bạch: Gia đình tui nuôi 4 con bò lai. Được sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, tui trồng trên 1,5 sào cỏ voi, đủ cho đàn bò ăn, tăng thêm hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi.
Ông Dương Ngọc Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Vinh, cho biết: Nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đã giải quyết được việc làm nông nhàn, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 11,22%, giảm 2,66% so với năm 2012.
Để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, xã Tây Vinh tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi phương thức chăn nuôi, khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học.
Xã cũng khuyến khích các mô hình trồng trọt làm thức ăn cho gia súc, như trồng cỏ voi VD6, để phát triển chăn nuôi; đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn bà con xây dựng hầm Biogas và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Dịch chổi rồng chưa có dấu hiệu giảm bớt trên các vườn nhãn thì trong thời gian qua hơn 250 ha sapôchê (hồng xiêm) ở các địa phương khu vực ven sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang lại bị rệp phấn trắng gây hại nghiêm trọng

Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Minh Hải (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới trồng thí nghiệm ở Cà Mau ba loại cây, trong đó có cây chà là ăn trái rất có hiệu quả.

Theo báo cáo từ Chi cục kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện nay toàn tỉnh còn gần 5.000 con cá sấu không có đầu ra, tình hình này khiến cho hàng trăm hộ nuôi cá sấu bị thiệt nặng về kinh tế. Trong khi đó cá sấu để lâu trong chuồng trại lâu chừng nào thiệt hại kinh tế lớn chừng ấy vì chi phí mua thức ăn cho cá sấu rất cao.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi đến thăm vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL ở tỉnh Sóc Trăng, hỏi “Người nuôi tôm cần gì ở Chính phủ?”. Tất cả những người nuôi tôm đều trả lời “thủy lợi”. Ông Nguyễn Hữu Chí, Phó chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nói cụ thể hơn, hệ thống thủy lợi quá khứ để lại chỉ phục vụ trồng lúa, chưa phục vụ nuôi tôm

Được hai ông bạn cùng ở ngoại thành Hà Nội, một là nông dân ở Thạch Thất và một là thạc sỹ, giảng viên Đại học Lâm nghiệp ở Xuân Mai (Chương Mỹ) rủ cùng làm nấm, tôi bảo: Tôi chỉ biết đánh “võ mồm” thôi, ngoài ra chẳng biết gì sất.