Tập Trung Xử Lý Bệnh Chồi Cỏ Mía Bằng Vôi Bột Ở Tân Kỳ (Nghệ An)

Bệnh chồi cỏ hại mía xuất hiện ở Tân Kỳ (Nghệ An) mới vài năm nay nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù ngành nông nghiệp Nghệ An đã thực hiện các mô hình để diệt chồi cỏ song hiệu quả không cao. Trước tình hình đó, Công ty mía đường Sông Con hướng dẫn nông dân xử lý bệnh bằng vôi bột, hiệu quả thấy rõ…
Vùng mía trải rộng ở Tân Hợp, Tân Xuân, Giai Xuân, Nghĩa Hoàn… của Tân Kỳ từ năm 2010 trở lại nay bị bệnh chồi cỏ trên 200 ha, nhiều diện tích nhiễm nặng với 20% diện tích so với diện tích của thửa ruộng. Gia đình ông Nguyễn Văn Diệu ở Kẻ Mui - Giai Xuân có 15 ha mía, ông cho hay đã áp dụng thuốc bảo vệ thực vật của Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An khuyến cáo nhưng không hiệu quả. Theo kinh nghiệm, ông rắc vôi bột nhiều hơn trong quá trình xử lý đất trước khi trồng mía (khoảng 500 kg/ha), hiệu quả là vùng mía mới trồng của ông không còn bị bệnh chồi cỏ. Nhiều gia đình khác thấy thế cũng làm theo và kết quả là mía phát triển tốt hơn, đạt năng suất từ 70 - 80 tấn/ha.
Từ kinh nghiệm của bà con đúc kết, kết hợp với cách chăm bón phòng trừ, Công ty mía đường Sông Con đã hỗ trợ vôi bột cho người trồng mía bị bệnh chồi cỏ nặng ở Tân Kỳ với số lượng 500 kg/ha, phân phức hợp hữu cơ vi sinh 2000 kg/ha để trồng mới mía, đồng thời yêu cầu các hộ nông dân tiêu hủy toàn bộ diện tích mía bị nhiễm nặng và trồng lại, tránh lây lan bệnh. Còn đối với diện tích bị nhiễm nhẹ, yêu cầu nông dân tiêu hủy những khóm mía bị bệnh, công ty hỗ trợ 300 đồng/khóm.
Ông Trương Hải Hồ một hộ trồng mía lâu năm ở Tân Kỳ cho rằng: cày sâu, lấy hết gốc mía cũ ra và đốt sạch cũng là cách để hạn chế bệnh chồi cỏ. Sau khi đào lấy hết gốc mía cũ, tiến hành rải vôi bột lên trên và bừa kỹ trước khi trồng mía mới. Trồng mía mới cũng không nên lấy phần gốc mà chỉ dùng mía ngọn hoặc từ nửa cây phần trên để trồng, còn phần dưới là mía thịt, cũng hạn chế được bệnh chồi cỏ.
Ông Nguyễn Bá Qúy - Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường Sông Con cho biết: Nhà máy sẵn sàng cho nông dân vay vôi với định mức 5 - 8 tạ/ha để xử lý chồi cỏ. Căn cứ vào qui trình xử lý bệnh chồi cỏ và qui trinh trồng mía, cán bộ nông vụ hướng dẫn các đơn vị, cá nhân trồng mía nghiêm túc thực hiện. Nếu người trồng mía không thực hiện tốt dập dịch chồi cỏ thì giá mía bị nhiễm bệnh sẽ bị trừ 20% so với giá Công ty qui định tại thời điểm.
Hiện nay Tân Kỳ đã xử lý được 160 ha mía bị bệnh, phần lớn là tiêu hủy, trồng lại. Nhưng cách phòng trừ diệt mầm bệnh chồi cỏ bằng vôi bột nồng độ cao ở Tân Kỳ khi trồng mía đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và được người nông dân ghi nhận.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 14-8 vừa qua, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp Công ty CP đánh giá chứng nhận Globalcert đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho Công ty TNHH thủy sản Mạnh Cường, ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) cho sản phẩm tôm thẻ chân trắng, được nuôi trên diện tích 3ha với sản lượng dự kiến khoảng 48 tấn/năm. Giấy chứng nhận này có giá trị đến tháng 7-2017.

Nhắc đến nghề khai thác biển, nhiều người nghĩ ngay đến cửa biển Sông Đốc, bởi đây không chỉ là cửa biển lớn, có đội tàu hùng hậu nhất tỉnh Cà Mau mà xứ biển này nhiều năm qua đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế - xã hội của huyện Trần Văn Thời nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Để tiếp tục phát huy thế mạnh của ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh, huyện đã có không ít chính sách ưu đãi, từ đầu tư hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá cho đến đổi mới trang thiết bị, phương tiện, hướng tới hiện đại hoá.

Mùa nước nổi năm nay tuy mực nước lên chậm và không cao như các năm trước, nhưng nguồn lợi thủy sản khá phong phú khiến cho những người làm nghề lưới cá cảm thấy phấn khởi.

Chiều 17/8, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển chăn nuôi.

Theo nhiều chủ trang trại nuôi heo lớn tại Đồng Nai, hiện giá heo hơi bán tại trại dao động từ 43 - 44 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 2 ngàn đồng/kg so với hồi đầu tháng.