Tạo Đột Phá Từ Vùng Sản Xuất Tập Trung

Cách đây gần 10 năm, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã quy hoạch, phát triển khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 50ha.
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay, xã đang chỉ đạo quyết liệt dồn điền đổi thửa để tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến khu chăn nuôi tập trung của xã Cấn Hữu nằm trên cánh đồng của thôn Cấn Thượng, ai cũng ngỡ ngàng vì những khu chuồng trại chăn nuôi kết hợp với nuôi trồng thủy sản được đầu tư xây dựng khá khang trang, đồng bộ. Trang trại của vợ chồng chị Bùi Thị Thanh, anh Nguyễn Quang Khải rộng tới 8ha là một trong những trang trại đầu tiên của khu chăn nuôi tập trung này.
Chị Thanh cho biết, những năm đầu, trang trại chủ yếu nuôi cá trắm, trôi, mè, chép... với sản lượng 7 - 8 tấn/năm. Hai năm nay, chị kết hợp cả nuôi gia công 15.000 con gà đẻ cho công ty CP, tổng thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, trang trại của chị còn tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cách đó không xa, trang trại của anh Nguyễn Văn Lâm được xây dựng từ năm 2006. Với diện tích hơn 1ha, anh Lâm đầu tư đào ao thả cá kết hợp với xây dựng chuồng chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Nhờ làm ăn hiệu quả, anh Lâm từng bước quy hoạch lại đồng bộ trang trại. Dưới ao, anh thả cá, trên bờ nuôi 60 lợn nái, 400 lợn thịt/lứa và 10.000 con gà đẻ. Tất cả khu chăn nuôi được ứng dụng trang thiết bị công nghệ lọc nước, khử mùi hiệu quả.
Đặc biệt, anh Lâm còn tận dụng diện tích trên bờ để trồng cây cảnh, cây ăn quả, vừa cho thêm thu nhập, vừa tạo cảnh quan sạch đẹp. Trừ chi phí, mỗi năm, trang trại của anh Lâm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Theo UBND xã Cấn Hữu, từ năm 2004 xã đã quy hoạch diện tích 55,6ha trên địa bàn thôn Cấn Thượng và Cấn Hạ để đưa các hộ chăn nuôi ra khu tập trung, xa khu dân cư. Đến nay, khu chăn nuôi tập trung đã đi vào hoạt động sản xuất được gần 40ha với 50 hộ dân.
Trong đó phổ biến là chăn nuôi gà, lợn, vịt kết hợp với thả cá, trồng cây cảnh, cây ăn quả. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng các mô hình sản xuất trang trại với quy mô lớn, bình quân mỗi chuồng nuôi 3.000 - 5.000 con gà đẻ, có hộ nuôi đến 15.000 con.
Ông Vũ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu cho biết, giá trị sản xuất tại khu chăn nuôi tập trung đạt hàng trăm triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều lần so với cấy lúa trước đây. Không những thế, các trang trại còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng lên, hiện đạt 17 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, xã Cấn Hữu đã quy hoạch mở rộng vùng sản xuất hàng hóa với diện tích 179ha ở tất cả các thôn. Để thực hiện được quy hoạch này, xã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh dồn điền đổi thửa. Toàn xã có khoảng hơn 600ha đất nông nghiệp, trong đó năm 2012 đã dồn được 254ha. Từ nay đến hết năm 2013, xã phấn đấu hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa.
Có thể bạn quan tâm

Theo ông K’Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn thì toàn xã hiện có 646 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt ở 13 chi hội. Thời gian qua, để nâng cao kiến thức cho hội viên trong quá trình sản xuất, Hội đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, dạy nghề theo nhu cầu của nông dân.

Gần một năm nay, ông Lê Công Chiến (SN 1951) ngụ ở ấp 1, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông thành công với việc nuôi thỏ. Với 4 dãy chuồng, mỗi dãy dài trên 2,5m, ngang hơn 1,5m và cao 0,5m, vào tháng 10/2013, ông nuôi 20 con thỏ giống (17 con thỏ cái và 3 con thỏ đực). Thỏ nuôi khoảng 3 tháng là đẻ.

Nông dân Nguyễn Văn Đực cho biết: “Nước tràn vào ruộng thu hoạch gặp nhiều khó khăn, lúa chỉ mới trên 70 ngày tuổi, lúa chín được nửa bông, thu hoạch được khoảng 6 bao/công. Thương lái mua giá 3.500 đồng/kg, nếu không thu hoạch thì lỗ nhiều chi phí sản xuất”.

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ. Khác với thời điểm cách nay khoảng một tháng, hiện tình hình tiêu thụ lúa rất thuận lợi khi giá tăng, thương lái đẩy mạnh thu mua.

Không chỉ những nông hộ có truyền thống trồng dâu tây, hiện nhiều bà con người dân tộc K’Ho ở thị trấn Lạc Dương cũng đã gắn bó với loại trái cây đặc sản này. Cây dâu tây đã trở thành cây trồng quen thuộc và ngày càng được mở rộng diện tích tại đây.