Tăng Cường Kiểm Tra, Xử Lý Việc Bơm Nước Vào Gia Súc, Thịt Gia Súc

Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ và các bộ: Công an, Công thương, Thông tin Truyền thông, về việc tăng cường kiểm tra, xử lý việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh việc bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ tại một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Đăk Lăk...
Đây là hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi bất chính, gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng; đồng thời làm cho thịt gia súc dễ bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại từ nguồn nước, dụng cụ bơm nước, gây mất VSATTP.
Để ngăn chặn triệt để hành vi nêu trên, nhằm đảm bảo VSATTP và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu UBND cấp huyện, xã:
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân buôn bán, giết mổ động vật không được bơm nước vào gia súc, thân thịt gia súc, hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc để gian lận thương mại;
- Chỉ đạo lực lượng công an, QLTT phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tổ chức điều tra, đấu tranh, triệt phá việc bơm nước vào gia súc, thân thịt gia súc trên địa bàn; xử lý đồng bộ các hình thức xử phạt theo đúng quy định của pháp luật (bao gồm cả hình thức phạt tiền, chuyển mục đích sử dụng sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi, xử lý gian lận thương mại...).
- Đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở Công thương: Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành tăng cường phối hợp với lực lượng công an, thú y, ban quản lý chợ và chính quyền cơ sở để thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc; công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, buôn bán thịt gia súc vi phạm để người tiêu dùng biết và không mua thịt gia súc đã bị bơm nước.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với chính quyền và lực lượng quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra, đấu tranh, triệt phá hành vi bơm nước vào gia súc, thịt gia súc trong quá trình vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia súc, thịt gia súc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; tác hại về kinh tế và sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm động vật bị bơm nước.
Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm phát hiện việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc để chấn chỉnh, xử lý kịp thời; rà soát các tồn tại, bất cập và báo cáo Bộ để chỉ đạo, điều hành; tổng hợp các vụ vi phạm tại các địa phương và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể bạn quan tâm

Nhìn những quả na dai to đều, nặng trĩu khắp các cành cao, cành thấp mới cảm nhận được nỗ lực chịu thương, chịu khó học hỏi không ngừng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuyết để có được những bí quyết hay và thành quả của ngày hôm nay.

Đây là mô hình nằm trong chương trình Đề án về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng nhằm mục tiêu tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người nuôi từng bước tiếp cận với phương thức sản xuất mới từ đó nâng cao trình độ sản xuất, thích hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Cá chày mắt đỏ là một trong những loài cá bản địa sống ở các sông, hồ tự nhiên khu vực phía Bắc, đến nay trở nên quý hiếm do sản lượng ngày càng suy kiệt. Việc nhân giống cá chày mắt đỏ và phổ biến quy trình nhân giống có ý nghĩa lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên, đồng thời gợi mở cho các hộ nuôi trồng thủy sản một hướng phát triển kinh tế tiềm năng.

Nằm ở lưu vực sông Sêrêpôk đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana, nơi nối liền hai huyện Krông Ana (tỉnh Dak Lak) và huyện Krông Nô (tỉnh Dak Nông) có một trang trại cá diêu hồng, với sản lượng cá xuất ra hàng ngày lên tới 3-5 tấn. Vì nằm trên cồn, biệt lập với đất liền nên người dân quanh vùng đặt tên cho nơi này là "đảo cá".

Sau hơn ba năm triển khai thí điểm, đến nay, mô hình bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có nghề nuôi tôm, đang từng bước đi vào đời sống, trở thành tấm lá chắn cho người nông dân trước những rủi ro, biến động trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được tháo gỡ.