Tam Nông Từ Chuyện Cây Bắp

Cách đây chưa lâu, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin hàng năm nước ta phải nhập hơn 2 triệu tấn bắp để sản xuất thức ăn gia súc, nghe mà giật mình. Một đất nước nông nghiệp và là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng bắp thì không đủ để... sản xuất thức ăn gia súc thì quả là điều đáng để trăn trở.
Nhớ lại cách đây hơn 15 năm, khi người viết còn làm công tác khuyến nông, đã chứng kiến nhiều chương trình tập huấn phổ biến kỹ thuật trồng bắp lai để thu được năng suất từ 8 - 10 tấn/ha, thậm chí còn cao hơn. Giống bắp lai ban đầu phải nhập từ nước ngoài như Thái Lan, Mỹ… nhưng sau đó Việt Nam cũng đã sản xuất được một số giống bắp lai có năng suất chất lượng cao.
Hiện nay, tập đoàn giống bắp Việt Nam rất phong phú và đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng..., đáp ứng mọi nhu cầu về giống bắp cho nông dân trong cả nước, năng suất cũng không thua kém bắp ngoại nhập.
Đất đai để trồng bắp cũng không kén chọn cho lắm, sâu bệnh ít, không tốn công tưới tiêu nhiều... Vậy nhưng chừng ấy năm rồi, chỉ nhìn từ chuyện cây bắp thôi, khi loại nông sản này chưa đủ để làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc mà vẫn phải nhập khẩu với một lượng lớn thì quả là một câu hỏi rất đáng suy ngẫm.
Đã từ lâu chương trình liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) được phát động, triển khai nhưng đến bây giờ mối liên kết đó vẫn chưa thực sự cho hiệu quả như mong muốn. Sự thiếu chặt chẽ trong liên kết này đã khiến nông dân, doanh nghiệp không an tâm đầu tư, sản xuất.
Nông dân cứ nơm nớp lo khi được mùa thì mất giá. Vậy ách tắc từ đâu? “Nhà” nào chịu trách nhiệm trước thực trạng này? Cuối cùng thì nhà nông cực vẫn hoàn cực, lo vẫn hoàn lo và nông nghiệp nước nhà vẫn đang tiến lên hiện đại hóa với tốc độ khá chậm và thiếu bền vững.
Phải nhìn thẳng vào thực tế là Nhà nước vẫn là yếu tố chủ lực chi phối các “nhà” khác trong quá trình phối hợp hành động hỗ trợ nhà nông. Nhìn từ góc độ khoa học kỹ thuật cũng là một vấn đề rất trăn trở.
Dẫn chứng gần gũi và thực tế nhất là từ Hội cựu sinh viên Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Hàng năm các thế hệ cựu sinh viên của trường đều tổ chức họp mặt để trao đổi, giao lưu.
Đề cập về “chuyên môn”, các cựu sinh viên cho biết hội chỉ có chưa tới 20% trong tổng số hơn 200 kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp ra trường đến nay còn “làm bạn với nhà nông”, còn lại là làm việc và công tác trong các lĩnh vực chẳng dính dáng chút nào với nông nghiệp, nông thôn.
Có những sinh viên quê ở Quảng Nam, tốt nghiệp ra trường đã mấy năm nay rồi, đơn gửi khắp nơi mà vẫn chưa có nơi nào nhận, trong khi nhà nông vẫn đang loay hoay với câu chuyện về ứng dụng khoa học kỹ thuật để có năng suất và chất lượng cho cây trồng.
Một vấn đề nữa là nhân lực cho cả nông nghiệp hiện vẫn thiếu cả về chất và lượng. Nguyên nhân chính là họ không yên tâm để sống vì nông nghiệp, hay nói cụ thể hơn là vấn đề thu nhập không tương xứng với sự cống hiến nên nhiều người bỏ nghề chuyển qua làm các công việc ở lĩnh vực khác có thu nhập đảm bảo hơn.
Về lượng, cụ thể là lực lượng tại chỗ, thanh niên nông thôn có sức khỏe, có học thức hiện nay cũng ít ai ở lại bám trụ cùng đồng ruộng luống cày, mà đổ về các thành phố thị xã, khu công nghiệp để tìm việc làm.
Một nghịch lý nữa là đội ngũ các nhà khoa học liên quan đến nông nghiệp ở các trường đại học, viện nghiên cứu không ít, trong đó có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nhưng nghiên cứu phục vụ thực tiễn rất ít, chỉ dừng lại ở cấp độ… tài liệu lưu trữ chứ không ra đến vườn, ao chuồng. Chính vì vậy mới có những phát minh sáng kiến của các “kỹ sư chân đất”!
Câu chuyện về “tam nông” (nông thôn - nông nghiệp - nông dân) giờ đây không còn xa lạ và chương trình nông thôn mới cũng đang được triển khai ở nhiều nơi.
Nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với thực tế là tuy chiếm 70% dân số nhưng thu nhập của nông dân chỉ mới bằng 1/3 mức bình quân của cả nước. Nông nghiệp vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dựa trên phương pháp truyền thống là chính. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn thấp, giá trị gia tăng hàng hóa nông phẩm kém…
Để tạo bước chuyển biến mang tính đột phá thì không thể làm theo kiểu phong trào mà phải làm có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều sâu, coi trọng giá trị trên một đơn vị diện tích thay vì chạy theo sản lượng đơn thuần; phát triển các loại hình sản xuất có hiệu quả, mà thực chất là xác định chủ thể kinh tế thị trường ở nông thôn; chuyển đổi và phân bổ nguồn nhân lực ở nông thôn; xây dựng nông thôn mới và có những chính sách đầu tư hiệu quả và thiết thực.
Có như vậy, hy vọng nông nghiệp nước nhà mới thoát ra khỏi những nghịch lý, bất cập sau hơn 20 năm công nghiệp hóa.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi đạt sản lượng kỷ lục giúp giá trị xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm kết thúc vào tháng 12/2014 tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành tôm nước này đang lo ngại dịch bệnh tôm RMS (Running Mortality Syndrom) có khả năng hoành hành trong năm mới.

Theo lập luận của VSSA, ở vụ 2014-2015, dự báo tổng nguồn cung đường sẽ là 2 triệu tấn. Con số này chưa kể số NK không chính thức và nhập lậu mà ngành đường đang phải chống chọi rất vất vả. Trong khi đó, mức tiêu thụ năm 2015 sẽ rơi vào khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy, cả nước sẽ dư thừa trên 600.000 tấn đường. Dư thừa sẽ dẫn đến giảm giá đường. Giảm giá sẽ dẫn đến giảm giá thu mua mía của bà con nông dân.

Những ngày qua, giá lúa IR50404 tại tại một số huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp được nông dân bán tại ruộng dao động ở mức 4.000 - 4.300 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa thơm 4.700 - 4.750 đồng/kg. So với vụ Thu Đông 2014 vừa qua, bình quân giá lúa các loại giảm từ 600 - 700 đồng/kg và thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái từ 500 - 600 đồng/kg.

Đơn cử như Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác vốn vay và Quỹ hỗ trợ nông dân cho 45 cán bộ hội nông dân của các huyện, thị xã; đồng thời, kiểm tra công tác nhận ủy thác của các cơ sở hội và tổ tiết kiệm vay vốn.

Huyện Đắk Song hiện có gần 5.700 ha hồ tiêu, sản lượng vụ 2014 - 2015 ước đạt 7.430 tấn. Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương và nhiều hộ dân đã phát triển kinh tế khá, giàu nhờ cây trồng này. Chính vì thế, việc phát triển cây hồ tiêu bền vững để đưa kinh tế của địa phương phát triển là điều mà chính quyền huyện Đắk Song đã và đang triển khai mạnh mẽ.