Tài Văn (Sóc Trăng) Phát Triển Diện Tích Trồng Cỏ Nuôi Bò

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa – con vật chủ lực giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, một số địa phương đang mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là các loại cỏ giàu dinh dưỡng và có năng suất cao để làm thức ăn cho bò.
Tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), nhiều hộ đã chuyển hẳn diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng cỏ nuôi bò
Gắn bó với nghề nuôi bò gần 10 năm nay, gia đình bà Kim Thị Sà Ranh ở ấp Chắc Tưng đã quen với việc mỗi ngày lặn lội hơn 5 cây số để tìm thức ăn cho bò.
Lúc đầu chỉ nuôi 1 con nên việc tìm cỏ khá dễ dàng, nhưng khi số đàn tăng dần, đến nay với 7 con bò trong đó có 3 con đang cho sữa và 4 con đang trong giai đoạn thúc ăn, thì lượng cỏ cần cung cấp là khá lớn. Để tiết kiệm thời gian, chi phí và nhất là công sức lao động khi phải tìm cỏ ở những nơi khác, vợ chồng bà quyết định chuyển hẳn 7 công đất ruộng sang trồng cỏ nuôi bò.
Bà Kim Thị Sà Ranh cho biết: “Gia đình tôi hiện có đàn bò sữa lên đến 7 con, tôi trồng 7 công cỏ cho bò ăn. Tôi thấy mình trồng như vầy lời hơn là mình đi cắt cỏ, vì mình không phải tốn tiền xăng, mình cắt một buổi, một buổi làm chuyện nhà, rồi chăm sóc bò, khỏe hơn mình đi cắt cỏ”.
Cỏ giống với giá bán 3.000 đồng/kg, sau một tháng trồng là đã có cỏ cho bò ăn. Để đa dạng hoá nguồn thức ăn này, bà con thường trồng nhiều loại cỏ khác nhau như cỏ sả, cỏ voi, cỏ Nhật hay cỏ lông tây. Nhiều hộ do có diện tích trồng cỏ khá lớn, thì ngoài nguồn cỏ nuôi bò nhà, bà con còn bán lại cho những các hộ khác với giá 500 đồng/kg, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Tú ở ấp Hà Bô, xã Tài Văn cho biết: “Theo tôi, nếu lấy ruộng trồng cỏ bán, với giá 500 đồng/kg sẽ lời hơn làm ruộng, bởi vì 1 công cỏ cho thu hoạch khoảng từ 2 tấn rưỡi đến 3 tấn cỏ 1 tháng, sau mỗi lần cắt mình bón 10 kg phân đạm thì chỉ cần 1 tháng sau mình lại thu hoạch nữa, chứ không phải như lúa 6 tháng đến một năm mới thu hoạch”.
Theo nhiều bà con, trồng cỏ nuôi bò không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí mà từ việc chọn lựa các giống cỏ chất lượng đã góp phần tăng năng suất và chất lượng sữa, đặc biệt hạn chế rủi ro về mầm bệnh khi bà con tự chăm sóc cỏ bằng việc tận dụng các loại phân hữu cơ trong chăn nuôi. Chính vì thế mà diện tích trồng cỏ ngày càng tăng, địa phương cũng đang hướng đến việc quy hoạch vùng nuôi hợp lý và bền vững.
Ông Hồng Thanh Bằng – Chủ tịch UBND xã Tài Văn cho biết: “Việc trồng cỏ hiện nay trên địa bàn xã Tài Văn có đến 243 hộ, với diện tích là 43,6 ha. Với diện tích này thì hiện nay cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển đàn bò của xã. Ngoài ra cũng có định hướng cho một số hộ dân, địa phương cũng đã quy hoạch vùng đất không hiệu quả về trồng lúa, đất gò cao, khuyến khích bà con cũng nên trồng cỏ”.
Nếu tính lượng cỏ tươi hàng ngày 1 bò tiêu thụ từ 30 - 40kg, thì lượng cỏ phải cung cấp cho tổng đàn bò tại địa phương là rất lớn. Trong khi nghề nuôi bò đang phát triển, nhất là khi Sóc Trăng triển khai Đề án Phát triển đàn bò sữa, thì việc trồng cỏ nuôi bò cần được mở rộng theo hướng quy hoạch hợp lý, để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Đã có không ít hộ nông dân thất bại khi đầu tư vào phát triển sản xuất, bởi do họ đã áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, thiếu nơi tiêu thụ sản phẩm hay chưa đổi mới tư duy, cách làm mới... Ở xóm Mỹ Triều xã Thạch (Thạch Hà, Hà Tĩnh) lại có một mô hình phát triển kinh tế theo hướng đa cây cho hiệu quả khá cao.

Người dân quanh vùng đào ao để thả cá, còn bác Dương Văn Lê ở thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc lại đào ao thả vịt. Ai cũng nghĩ bác quẩn. Vậy mà chỉ vài năm cách làm này đã giúp gia đình bác thoát nghèo, trở thành triệu phú, được cả làng làm theo.

Đó là mô hình kinh tế vườn của chàng trai dân tộc Nùng Cháng Thừa Lù - một tấm gương sáng điển hình của thôn Thanh Long xã Thanh Vân huyện Quản Bạ trong việc vươn lên thoát nghèo. Mới 27 tuổi Cháng Thừa Lù đã có trong tay hơn 3 ha cây ăn quả gồm hồng không hạt, quýt, chanh và 2 hồ nước rộng nuôi thả cá cùng số lượng lớn đàn ong nuôi lấy mật… báo hiệu một vụ mùa bội thu, khiến mọi người đến thăm thầm cảm phục.

Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết, từ đầu năm 2013 tới nay, lượng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh được Chi cục kiểm dịch để xuất ra ngoài tỉnh đã tăng rất nhanh và tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2012.

Ngô (bắp) chết đứng - hiện tượng lạ chưa từng thấy từ trước tới nay với nông dân trồng bắp ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang. Hiện tượng này đang làm cho hàng trăm nông dân nơi đây hoang mang, lo lắng...