Hàng Trăm Hecta Ngô Chết Đứng

Ngô (bắp) chết đứng - hiện tượng lạ chưa từng thấy từ trước tới nay với nông dân trồng bắp ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang. Hiện tượng này đang làm cho hàng trăm nông dân nơi đây hoang mang, lo lắng...
Năng suất chỉ đạt trên 30%
Theo phản ánh của người dân, ngày 18.6, chúng tôi có cuộc khảo sát dọc Quốc lộ 91C thuộc địa phận xã Khánh An và có thể nhìn thấy những đồng bắp lai hơn cả trăm hecta tại đây có hiện tượng chết, cháy lá, không trổ cờ, không có hạt...
Anh Dương Quốc Hùng - Trưởng ban ấp Thạnh Phú, xã Khánh An đưa chúng tôi đi mục sở thị những đám bắp chết đứng ở mọi lứa tuổi của các nông dân trong ấp và cho biết: Có người may mắn vừa thu họach xong nhưng chỉ đạt năng suất bằng 30- 40% so với những vụ trước. Gia đình anh Trương Văn Trẩm ở ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, có đến 30 công bắp bị chết đứng. Anh buồn bã: “Tui vẫn trồng giống bắp 9901 như mọi khi, vụ này đang thu hoạch hết 15 công nhưng kiểu này chắc mỗi công chỉ được từ 300- 400kg, còn lại hơn 15 công nữa đang đổ râu trắng, sắp chết đứng tới nơi, vụ này coi như lỗ nặng...”.
Anh Lê Văn Vân ở ấp Thạnh Phú đưa cho chúng tôi xem ít giống bắp lai 333 còn lại, nói: “Tôi nghi là giống có vấn đề, vì tôi hồi nào giờ vẫn trồng giống này và cũng mua tại đại lý cũ (trong xã Khánh An). Nhưng không hiểu sao năm nay kỳ lạ, 7 công bắp của nhà tui đã chết đứng hết rồi”.
Chưa rõ nguyên nhân
Ông Mai Văn Bộ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú cho hay: Diện tích thiệt hại đang tăng lên từng ngày và hiện tượng này đang được phát hiện thêm ở các xã khác trong huyện An Phú. Thiệt hại trung bình cho mỗi công bắp bị chết đứng ước trên dưới 2 triệu đồng.
Qua trao đổi với các hộ bị thiệt hại, chúng tôi được biết, các giống bắp mà nông dân ở đây gieo trồng đều được họ mua từ các đại lý bán hạt giống trong xã Khánh An. Số đông nông dân sử dụng giống có ký hiệu ghi trên bao bì là DK 9901, một số ít hơn thì sử dụng giống là các giống DK 6818, DK 8868 và 333. Nông dân cho biết, các phương pháp canh tác vẫn bình thường như mọi khi...
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Bộ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú cho biết: “Chúng tôi cũng chưa rõ nguyên nhân tình trạng này, hiện đã báo về Sở NNPTNT tỉnh và mời các công ty cung cấp giống đến để phối hợp tìm hiểu nguyên nhân, họ có hứa miệng là nếu lỗi do giống thì họ sẽ tính chuyện hỗ trợ, bồi thường cho nông dân”.
Theo thống kê của UBND xã Khánh An thì số diện tích bắp bị chết đứng trong xã đã lên tới 102ha và đang mỗi ngày một tăng thêm. Ông Nguyễn Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết: “Chưa thấy công ty phân phối giống bắp mà nông dân trồng bị chết cây đến để bàn cách giải quyết chuyện này nên chúng tôi cũng chưa biết nói sao với nông dân”.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, người dân các tỉnh Tây Nguyên đang tiến hành thu hoạch sắn niên vụ 2011-2012. Niên vụ trước do giá sắn trên thị trường tăng cao, đã thu hút đông đảo người dân ở Tây Nguyên đổ xô trồng loại cây này, bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Nong nghiep, nong thon, nha nong, nong dan, khuyen nong

Những năm qua, việc mở rộng diện tích vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được các cấp, các ngành và người dân trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) quan tâm. Mặc dù sản phẩm vải thiều VietGAP chưa có thị trường tiêu thụ riêng nhưng sản xuất vải thiều VietGAP đã và đang trở thành xu thế tất yếu ở "kinh đô" vải thiều Lục Ngạn…

Tháng 5 trời nắng gắt, cá mú con vào rạn khá dày. Ngư dân vùng Gành Rái, xã Chí Công (Tuy Phong - Bình Thuận) được dịp giăng bẫy bắt mú con, thu nhập nhờ đó mà tăng khá.

Không biết chính xác hẹ được trồng từ khi nào, nhưng trong vài năm trở lại đây, nhiều nhà nông ở các vùng chuyên canh màu của Sóc Trăng như Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) đã vươn lên khá giàu, ổn định được kinh tế gia đình từ loại cây này. Bên cạnh nguồn lợi từ cây lúa và chăn nuôi thì trồng hẹ được xem là mô hình trồng màu đạt thu nhập cao, bền vững của những hộ nông dân Khmer vùng này.

Trong thời gian qua cá rô đầu vuông đã được đưa vào nuôi thử nghiệm thành công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là loại cá phàm ăn, dễ nuôi, nhanh lớn, ít bệnh tật và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nuôi thâm canh loài cá này trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do con giống chủ yếu được nhập từ các tỉnh phía Nam dẫn đến giá cá giống còn quá cao, quãng đường vận chuyển xa nên cá dễ mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt cao.