Tái phạm sử dụng chất cấm do quản lý kém?

Đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y Đồng Nai phối hợp với Công an huyện Thống Nhất kiểm tra kho thức ăn chăn nuôi tại trang trại của ông Nguyễn Thanh Xuân (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất).
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Nai, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu vì vẫn còn lỗ hổng trong khâu quản lý, và quy định xử phạt vi phạm này chưa đủ sức răn đe khiến việc tái phạm trong sử dụng chất cấm vẫn diễn ra.
* Khó truy nguyên nguồn gốc
Khi đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y Đồng Nai kiểm tra đột xuất tại trang trại chăn nuôi Tuyết An (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) vào ngày 3-9, bà Đỗ Thị Tuyết An, chủ trang trại tỏ ra bất ngờ về việc trang trại có lô heo dương tính với chất cấm. Bà An khẳng định, trang trại không hề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Trước đó, theo công văn của Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh về kết quả xét nghiệm 1 lô heo được kiểm dịch theo giấy CNKD số 1535552/CN - KDĐNNT do Chi cục Thú y Đồng Nai cấp ngày 18-8-2015 xuất phát từ cơ sở chăn nuôi Đỗ Thị Tuyết An dương tính với chất cấm.
Tuy nhiên, bà An lại khẳng định trong ngày 18-8, trại không xuất heo nên lô heo bị Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh phát hiện nhiễm chất cấm không phải là heo của trang trại, đề nghị đoàn chức năng điều tra, làm rõ nguồn gốc của lô heo vi phạm để không gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, chủ trang trại tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) cũng khẳng định, lô heo dương tính với chất cấm theo kết luận của Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh không phải của trang trại vì không trùng khớp về ngày xuất, số lượng và cả về số xe chở hàng.
Theo phản ánh của các trang trại chăn nuôi, khi bán heo, trang trại cung cấp giấy chứng nhận tiêm phòng về lô heo bán để thương lái có căn cứ làm giấy kiểm dịch. Tuy nhiên, do trên giấy tiêm phòng này không hề có thông tin ngày xuất, số lượng heo…
Nnên thương lái dễ dàng lợi dụng kẽ hở về thời gian để tổ chức mua heo về vỗ béo rồi mới đưa đi kiểm dịch; hoặc dùng giấy tiêm phòng của trang trại uy tín về chất lượng để chứng mình nguồn gốc cho heo trôi nổi thu gom ngoài thị trường.
* Quá nhiều khâu hở
Ông Trần Văn Quang nhận xét, kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh về những lô heo xuất xứ từ trang trại chăn nuôi Đồng Nai dương tính với chất cấm là chưa đủ cơ sở để xử phạt người chăn nuôi. Thực tế, việc truy xuất nguồn gốc của heo xuất trại gặp nhiều khó khăn vì quy trình kiểm dịch hiện nay còn nhiều lỗ hổng.
Cán bộ của đoàn kiểm tra đang niêm phong mẫu xét nghiệm chất cấm.
Cụ thể, theo Quyết định 86 và Quyết định 15 về quy trình kiểm dịch, chỉ cần chủ lô hàng cung cấp bản sao giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc bản sao giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thì không quá 24 giờ, kiểm dịch viên phải cấp giấy kiểm dịch để xuất hàng. Quy trình kiểm dịch không có nội dung kiểm tra chất cấm.
Giấy chứng nhận tiêm phòng có thời hạn sử dụng trong 6 tháng, trong khi đó lúc bán heo, chủ trại không ghi ngày, giờ, số lượng heo lên giấy chứng nhận đã tạo kẽ hở cho thương lái gian lận. Thực tế, Đồng Nai đã từng xảy ra nhiều vụ việc thương lái thu mua heo từ một số công ty lớn, uy tín và dùng giấy chứng nhận tiêm phòng của đơn vị này để làm nguồn gốc xuất xứ cho heo trôi nổi ngoài thị trường.
Trước tình trạng này, Chi cục Thú y Đồng Nai đã triển khai ngay việc yêu cầu chủ các lô hàng khi đi đăng ký kiểm dịch động vật phải xuất trình chứng minh nhân dân. Đây là cơ sở để xác định đúng người chủ của lô hàng để khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng có đầu mối để truy xuất nguồn gốc lô hàng.
Chi cục Thú y Đồng Nai cũng cử một số cán bộ về kiểm dịch ngay tại trang trại chăn nuôi để hạn chế bớt tình trạng gian lận của thương lái thu mua. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì lực lượng cán bộ thú y có hạn trong khi số lượng trang trại, hộ chăn nuôi của Đồng Nai là rất lớn.
Có thể bạn quan tâm

Vốn là một loại dược liệu quý hiếm từ lâu đời, đông trùng hạ thảo khá quen thuộc trong các phương thuốc đông y và có giá khá đắt. Nhưng tại VN, dược liệu lạ lùng này đã được nuôi cấy thành công.

Trên địa bàn huyện Mường Ảng hiện có 7.457 con trâu, 4.579 con bò, 28.665 con lợn và 5.098 con dê. Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, như: dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh… Một số đàn dê của người dân trên địa bàn có biểu hiện bị đau mắt, chướng hơi dạ cỏ.
Sau khi thành lập (năm 2013), cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Được biết đến là điển hình sản xuất giỏi của TP. Điện Biên Phủ, nhưng ít ai biết rằng thanh niên Đinh Bá Bình, tổ dân phố 3, phường Noong Bua lại sinh ra trong gia đình nghèo, phải bỏ học lúc mới hết cấp 2.
Xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông có trên 10.400ha diện tích tự nhiên, trong đó 2.700ha rừng, gồm 1.100ha rừng phòng hộ; diện tích còn lại là rừng khoanh nuôi tái sinh.