Tái Đàn Chăn Nuôi Sau Lũ

Sau lũ, nông dân xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, chuẩn bị con giống để tái đàn và phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt lũ lụt vừa qua.
Sau lũ gia đình chị Trần Thị Lịnh ở thôn Hương Nhượng Nam, xã Tịnh Đông đã tu sửa lại chuồng trại, phun thuốc sát trùng, rải vôi đảm bảo ổn định cho việc chăn nuôi gà của gia đình. Để đảm bảo gà cung ứng ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2014, gia đình chị Lịnh đã tranh thủ tái đàn lại với 2.000 con gà con, trong đó có giống gà đen và gà thùng.
Được biết, trong đợt lũ vừa qua, gia đình chị Lịnh đã bị nước lũ cuốn trôi gần 4.000 con gà đã đến thời kỳ xuất chuồng. Nhờ sự giúp đỡ của bà con họ hàng về nguồn vốn, gia đình chị tiếp tục thả gà nuôi để ổn định cuộc sống. Chị Lịnh chia sẻ: Sau lũ, gia đình tôi dọn chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ, rải vôi, sát trùng, nghỉ cả tuần nay rồi, bây giờ làm vệ sinh lại lần nữa rồi mới thả lại con gà…
Cũng như gia đình chị Lịnh, sau khi nước rút, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Tịnh Đông tập trung tu sửa chuồng trại, phun thuốc xử lý môi trường, vệ sinh chuồng trại. Đa số những hộ dân đều bị nước lũ cuốn trôi gia súc, gia cầm, nhưng họ chủ động khắc phục khó khăn tiếp tục chăn nuôi. Ông Nguyễn Hồng Dương, người dân xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh cho biết: Sau lũ gia đình tôi cũng bị thất thoát 2 con heo nái, sắp đến tôi có dự định mua heo hướng nạc về nuôi đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong đợt lũ lụt vừa qua, toàn xã Tịnh Đông có trên 13 ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, ước tính thiệt hại gần 600 triệu đồng. Để khôi phục chăn nuôi, ngay sau khi nước rút, xã đã nhanh chóng tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, nơi có gia súc, gia cầm bị chết do mưa, lũ. Hướng dẫn người dân khẩn trương sửa chữa, khôi phục chuồng trại chăn nuôi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc này là người chăn nuôi đang thiếu vốn để tái đàn.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Đông, cho biết: Người dân trong xã bị thiệt hại về đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Hiện nay, Ban chỉ đạo PCLB của xã cũng như lãnh đạo xã xuống tận các thôn vận động các hộ dân vệ sinh chuồng trại, tiếp tục tái đàn gia súc, gia cầm, để sớm ổn định cuộc sống. Lãnh đạo cấp trên cần quan tâm giúp đỡ nguồn kinh phí, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, để họ có vốn tiếp tục chăn nuôi.
Việc khôi phục sản xuất, chăn nuôi sau mưa lũ là giải pháp quan trọng, cấp thiết nhằm nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển chăn nuôi ở các địa phương, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho nhân dân, nhất là dịp cuối năm. Đồng thời, cần có sự chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ, trong việc ủng hộ con giống, thức ăn, thuốc thú y, thiết bị chăn nuôi... trực tiếp cho các hộ gia đình, nhằm giúp người chăn nuôi nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất hoa kiểng bán tết, anh Nguyễn Văn Ngõ ở ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang), cho biết: “Năm nay, ngoài trồng những loại hoa kiểng bán vào dịp tết như vạn thọ, cúc mâm xôi, hướng dương tôi còn trồng thêm 200 chậu bắp để cung ứng cho nhu cầu Tết Ất Mùi này”.

Mô hình rau áp dụng công nghệ tưới phun và tưới nhỏ giọt của Cty Khang Thịnh, chi nhánh Netafim Lâm Đồng, tại huyện Đức Trọng, ông Vũ Kiên Trung, đại diện Netafim Việt Nam trình bày về các giải pháp hiệu quả để tưới tiết kiệm mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh. Nhờ mô hình tưới tiêu thông minh này mà nhà vườn có thể tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành nông phẩm để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Hồi tháng 11 năm ngoái, VFA đã đưa ra giá sàn mới cho gạo XK là 380 USD/tấn (loại 25% tấm), giảm 30 USD/tấn so với giá sàn của loại gạo này được đưa ra vào tháng 7 cùng năm. Vừa qua, Hiệp hội này đã điều chỉnh lại giá sàn gạo 25% tấm xuống còn 360 USD/tấn, thời hạn bắt đầu áp dụng là từ 12/1/2015.

Hai điểm tựa quan trọng nhất của hệ thống sản xuất nông nghiệp là chính sách kinh tế nông nghiệp đối nội và chính sách kinh tế nông nghiệp đối ngoại. Thiếu lực gồng của 2 điểm tựa chính trị này, sức mạnh của các đòn bẩy sẽ bị giảm sút, thậm chí sẽ bị triệt tiêu.

Nông dân Nguyễn Văn Hưng, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, một người trồng thanh long có thâm niên cho biết, chưa năm nào giá thanh long nghịch vụ lại rớt giá thê thảm như hiện nay, chỉ dao động ở mức từ 8.000-12.000đ/kg (tùy loại), giảm hơn nửa so với thời điểm năm ngoái.