Sức Sống Mới Từ Dự Án 600

Sau hơn hai năm, 53 thành viên đầu tiên thuộc dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch (PCT) tại 53 xã thuộc sáu huyện miền núi Quảng Ngãi đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống những người dân vùng cao.
Họ đã rất nỗ lực vượt qua những bỡ ngỡ về ngôn ngữ, tập tục giao tiếp. Qua thời gian, các PCT trẻ đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Các bạn đã thể hiện được sức trẻ của mình khi dám nghĩ dám làm
Anh ĐẶNG MINH THẢO (Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi)
Đổi thay kinh tế
Hơn hai năm làm PCT UBND xã Sơn Cao (huyện Sơn Hà), anh Trần Đình Vũ đã làm được nhiều việc mà cấp trên và người dân mong đợi. Nhớ lại thời mới lên nhận nhiệm vụ, Vũ tâm sự: “Hồi đó lên đúng vào mùa giáp hạt, người dân phải mua gạo độn khoai sắn ăn cầm chừng và chờ Nhà nước cứu trợ. Nhìn mà không cầm được nước mắt”.
Vũ bỏ thời gian tìm giống lúa, rồi xuống bản giới thiệu để thay đổi giống lúa mà bà con sử dụng lâu đời. Để bà con tin, anh cùng xuống ruộng trồng thí điểm 2ha. Năng suất mùa đầu đạt 55 tạ/ha (trước chỉ 37 tạ/ha). Thấy bà con tin tưởng, Vũ huy động dân làm mới hệ thống thủy lợi để tưới cho trên 30ha lúa theo mô hình mới.
Tiếp đó, Vũ thay đổi tập quán nuôi bò của bà con, làm chuồng trại, trồng cỏ VA60 thành công ngoài mong đợi. Thừa thắng xông lên, các mô hình khác như trồng mía cao sản, nuôi cá nước ngọt... lần lượt ra đời và đem lại hiệu quả.
“Nhờ có Vũ mà kinh tế xã thay đổi hẳn, giờ không còn chuyện thiếu ăn nữa” - ông Đinh Văn Bát, chủ tịch UBND xã Sơn Cao, nói.
Trong khi đó, PCT UBND xã Trà Xinh (huyện Tây Trà) Lê Minh Vương vốn xuất thân từ cán bộ Đoàn, ngoài việc quan tâm kinh tế, còn trăn trở việc làm cho thanh niên. Vương đã đưa gần 100 thanh niên đi học nghề và xuất khẩu lao động.
“Thanh niên là nòng cốt, sử dụng được sức trẻ thì mới tính đến thoát nghèo bền vững được” - Vương nói.
PCT UBND xã Sơn Nham (huyện Sơn Hà) Lê Thị Thanh Điểm thì cùng bà con tận dụng nguồn nước sông Trà Khúc, áp dụng mô hình nuôi cá lồng bè.
“Bà con đã nuôi rồi nhưng hiệu quả không cao. Mình phải nhờ chuyên gia về hướng dẫn bà con nuôi đúng kỹ thuật, hiệu quả cao hơn trước nhiều” - Điểm cho biết.
Đưa công nghệ lên núi
Đi qua nhiều xã vùng cao, công nghệ thông tin giờ “phủ sóng”. Các cán bộ trẻ đã thay đổi phương thức làm việc cán bộ xã nơi mình nhận nhiệm vụ. Chuyện làm việc trên máy tính, chuyển thư bằng email, họp qua mạng nhiều nơi đã sử dụng quen.
Anh Nguyễn Anh Khoa, PCT UBND xã Ba Điền (huyện Ba Tơ), kể hồi đó cả xã chỉ một vài người biết sử dụng máy tính. Mỗi lần nhận chỉ đạo của huyện hay gửi báo cáo phải chạy một quãng đường dài hàng chục cây số. Khoa tham mưu xây dựng dự án tin học hóa công tác quản lý, mở lớp dạy sử dụng máy tính, đọc thông tin, chuyển thư qua Internet.
“Lúc hướng dẫn nhiều cô chú lớn tuổi cũng nản bởi còn xa lạ, giờ ai cũng biết làm việc trên máy tính” - anh Khoa nói.
Không chỉ quan tâm đến kinh tế, các hoạt động về tinh thần cho bà con đồng bào, nhất là thanh niên cũng nhận được sự quan tâm. Chị Đinh Thị Biên, PCT UBND xã Sơn Thủy (huyện Sơn Hà), vốn là người đồng bào nên chị hiểu rõ thanh niên ngoài giờ làm việc chỉ có nhậu nhẹt.
“Mình đề nghị xã dành một khoảng đất rộng làm sân thể thao. Nhờ đó mà khi vận động làm việc gì thanh niên cũng đến đông đủ” - chị Biên cho biết.
Đánh giá về các trí thức trẻ lên ở vùng cao, anh Đặng Minh Thảo, phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết: “Họ đã rất nỗ lực vượt qua những bỡ ngỡ về ngôn ngữ, tập tục giao tiếp. Qua thời gian, các PCT trẻ đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Các bạn đã thể hiện được sức trẻ của mình khi dám nghĩ dám làm”.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, phó giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi, chia sẻ các cán bộ xã trong đề án đã thể hiện được bản lĩnh của mình ở cương vị mới, họ là nòng cốt thúc đẩy sự phát triển của các xã.
Có thể bạn quan tâm

Để tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm và giảm thiểu tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường công tác thú y thủy sản với mục tiêu trong năm 2015 sẽ tập trung phòng, chống bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên nuôi tôm nước lợ.

Bãi biển Kim Sơn những ngày đầu năm 2015 khá trầm lắng. Vụ tôm năm trước, dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy “làm mưa làm gió” vùng thủy sản. Làm ăn thua lỗ, chủ ao, đầm sợ mầm bệnh vẫn luẩn quẩn trong nước nên chẳng mặn mà đầu tư thả tôm giống.

Năm 2014, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Nghệ An được đánh giá thắng lợi với tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt: Sản lượng nuôi trồng đạt gần 45.500 tấn, diện tích NTTS đạt trên 23.600 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.950 tỷ đồng. để phát huy tiềm năng lợi thế hơn nữa, ngành xác định cần chú trọng hơn nữa khâu sản xuất, kiểm soát con giống.

Gia đình ông Nguyễn Thành Tâm (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) có 2 héc-ta ao nuôi cá tra. Bình quân mỗi vụ (thời gian nuôi 6 tháng), ông thu hoạch trên 80 tấn cá. Vậy mà đã hơn 10 năm nay, cuộc sống gia đình ông mỗi ngày một đi xuống, nợ nần chồng chất. Tiền mua thức ăn ở cửa hàng trong xã trên 170 triệu đồng, đến nay vẫn chưa thanh toán được.

Nếu như cách đây khoảng 2 tháng, giá cá lóc nuôi ở mức cao khiến người nuôi tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang) phấn khởi thì thời điểm hiện tại giá cá lóc thương phẩm được thu mua tại ao chỉ còn 25.000 - 28.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Còn giá bán tại các chợ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 đồng/kg so với trước đó.