Cần đóng cửa doanh nghiệp sản xuất chè bẩn

Điều này không chỉ làm tổn hại uy tín và danh tiếng chè Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng vạn người trồng chè.
Không thể đổ lỗi cho người trồng chè, thủ phạm chính là các doanh nghiệp chế biến chè, họ cần sản phẩm nào thì người dân cung cấp sản phẩm đó. Do vậy cần phải mạnh tay đóng cửa các doanh nghiệp SX chè bẩn...
Thông tin từ Hiệp hội chè Việt Nam, hàng năm Việt Nam XK sang Đài Loan trên 20.000 tấn chè, chủ yếu là chè đen.
Ngày 29/4/2015, Cục quản lý Thực phẩm Dược phẩm Bộ Y tế Phúc Lợi Đài Loan (TFDA) đã trao cho Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc danh sách 22 lô hàng chè đen còn tồn dư thuốc BVTV vượt quá quy định cho phép đã nhập khẩu vào Đài Loan thời gian từ ngày 1/10/2014 đến 31/3/2015 với tổng lượng chè là 284 tấn. Số hàng này của 10 doanh nghiệp ở các tỉnh, TP: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Lai Châu, Vĩnh Phúc.
Với số lượng hơn 284 tấn tồn dư thuốc BVTV so với hơn 20.000 tấn mà Đài Loan nhập khẩu là một phần rất nhỏ, nhưng điều này đã mang tiếng xấu cho chè Việt Nam, giống như thành ngữ “Con sâu làm rầu nồi canh”.
Sau khi phát hiện 22 lô hàng tồn dư thuốc BVTV, đại diện TFDA sẽ áp dụng nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra các sản phẩm chè nhập khẩu vào Đài Loan, yêu cầu chủ hàng báo cáo kiểm nghiệm từng lô hàng nhập khẩu và đề nghị phía Việt Nam quản lý chặt chẽ chất lượng chè trước khi nhập khẩu...
Trước đó ngày 22/4/2015 Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đã gửi văn bản tới Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) cung cấp 7 sản phẩm chè đen của 5 doanh nghiệp có chứa hàm lượng dioxin cao hơn 3pgWHO-TEQ/g, do Tổ chức Y tế thế giới cho phép.
Trong số 7 sản phẩm chè đen có hàm lượng dioxin, thấp nhất vượt 0,48 pg/g, cao nhất 16,6 pg/g. Trong 5 doanh nghiệp XK chè này đều có tên trong danh sách 22 lô hàng tồn dư thuốc BVTV, có doanh nghiệp 3/7 lô hàng nhiễm dioxin.
Điều đáng lưu ý trong số 5 doanh nghiệp có hàm lượng dioxin vượt quá giới hạn cho phép có tên Cty TNHH Ích Thành, đóng tại thôn 8, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có 100% vốn nước ngoài, do ông Li-Hung-Yu người Đài Loan đứng đơn đăng ký giấy phép đầu tư, được UBND tỉnh Yên Bái cấp phép số 01/GP-YB ngày 3/4/2001. Lượng dioxin của Cty Ích Thành vượt 0,48 pg/g.
Trong văn bản số 01/BC-NGC của Cty TNHH Ích Thành gửi Chi cục QLCL NLS-TS tỉnh Yên Bái đã giải thích: Cty thu mua chè nguyên liệu của người dân ở các xã Hưng Khánh, Hồng Ca (Trấn Yên), Tân Thịnh (Văn Chấn). Việc chè của Cty nhiễm dioxin là do nguyên liệu, Cty chỉ là nạn nhân.
Cty Ích Thành đã đổ lỗi cho người dân bán sản phẩm cho mình là không thỏa đáng. Do Cty không có vùng nguyên liệu, mua chè trôi nổi mà Cty không kiểm soát được chất lượng sản phẩm là trách nhiệm của Cty.
Từ nhiều năm nay, các nhà máy chế biến chè mọc lên như nấm ở Yên Bái, thậm chí đặt vào giữa vùng chè của các Cty chè. Từ đó xuất hiện cảnh tranh mua, tranh bán, dẫn tới không kiểm soát nổi chất lượng. Người dân sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ, dẫn tới chè tồn dư thuốc BVTV là điều khó tránh khỏi.
Cần phân định lại vùng nguyên liệu, các cơ sở chế biến phải gắn với từng vùng nguyên liệu, đầu tư phân bón, thuốc BVTV và kỹ thuật... thì mới mong kiểm soát được chất lượng. Nếu cứ tình trạng như hiện nay, ngoài Cty Ích Thành sẽ tiếp tục có nhiều sản phẩm của các Cty khác nhiễm dioxin hay tồn dư thuốc BVTV là điều khó tránh khỏi.
Ngày 20/5/2015, Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái đã ra thông báo yêu cầu 17 doanh nghiệp chế biến chè của tỉnh Yên Bái tạm dừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Vì không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, do Chi cục QLCL NLS-TS tỉnh Yên Bái xếp loại C.
Bao gồm các doanh nghiệp: Cty TNHH Long Tiến, Cty CP SX&TM-DV Vân Tiên, Cty TNHH chè Dần Bôn, Cty TNHH chè Hiền Từ, DN TN Thành Công, DN TN Thành Hương Nghĩa Lộ, DN TN Hiền Thắng, DN TN Tân Nam, DN TN xăng dầu Đắc Thiên, DN TN Hoa Hồng, DN TN Cẩm Dương, DN TN xăng dầu Thanh Bình, Cty TNHH Phương Tuấn, Cty TNHH chè Xuân Anh, Cty TNHH chế biến XK chè Bảo Ái, DN TN Tuấn Chanh, Cty chè Minh Thịnh.
Các doanh nghiệp này phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và chỉ được kinh doanh trở lại khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Việc Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo tạm ngừng kinh doanh đối với 17 doanh nghiệp SX chè không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là bước đi đầu tiên, tiến tới rút giấy phép kinh doanh, đóng cửa đối với các doanh nghiệp cố tình SX chè bẩn là việc làm cần thiết.
Có thể bạn quan tâm

Gần một tháng nay giá quýt đường và cam soàn tăng mạnh. Cách đây khoảng 3 tháng giá quýt đường loại I có giá từ 16 ngàn - 18 ngàn đồng/kg, cam soàn cũng ổn định ở mức 25 ngàn - 30 ngàn đồng/kg, thì hiện nay quýt đường loại I giá từ 28 ngàn - 30 ngàn đồng/kg, cam soàn loại I ở mức giá cao ngất ngưỡng 45 ngàn - 50 ngàn đồng/kg.

Cứ mỗi sáng, các hộ nuôi tôm kẹt ở sông Chà Và, xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) phải vớt bỏ tôm chết, người ít thì vài ba ký, người nhiều cả chục ký. Với giá tôm trung bình 800 ngàn/kg, giá trị thiệt hại ước tính từ vài triệu đến gần chục triệu đồng/ngày. Đó là những gì mà các hộ nuôi tôm lồng bè trên sông Chà Và hứng chịu từ tháng bảy âm lịch đến nay.

Ốc mút - như tên dân dã của nó - vốn chẳng phải là loại đặc sản cao cấp gì. Thế nhưng thời gian gần đây, ốc mút lại đang lên “cơn sốt” ở một số huyện miền Đông như Đầm Hà, Hải Hà (Quảng Ninh)... Người ta đổ xô đi bắt ốc mút để bán cho các thương lái Trung Quốc. Mặc dù hỏi chính các chủ buôn là thu mua ốc mút về làm gì thì ai cũng lắc đầu: Không biết!...

Trong tháng 1, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, ngư dân mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ và máy có công suất lớn, các đội tàu đánh bắt xa bờ tích cực ra khơi và có những chuyến ra khơi đánh bắt được mùa bội thu. Sản lượng khai thác biển trong tháng 1 ước đạt 16.000 tấn, tăng 18,52% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản 177.900 tấn (đạt 103,06% kế hoạch), tăng 23.368 tấn so với năm 2013, trong đó, sản lượng nuôi 99.550 tấn, tăng 18.284 tấn (đạt 102,79% kế hoạch), sản lượng khai thác 78.390 tấn, tăng 5.083 tấn (đạt 103,42% kế hoạch). Đây là điều kiện thuận lợi để năm 2015 tiếp tục phát huy kết quả đạt được và tận dụng, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.