Sóc Trăng Nuôi Heo Rừng Thuận Lợi Và Khó Khăn

Hiện nay, ở Sóc Trăng các mô hình nông nghiệp dễ làm, tốn ít chi phí đều rất thu hút nông dân, nhất là những hộ có sẵn đất đai muốn làm thêm các mô hình ngoài trồng lúa. Trong đó nuôi heo rừng rất được bà con quan tâm, nhưng số hộ nuôi chưa nhiều, vì vẫn còn những khó khăn nhất định.
Giống heo rừng mà bà con thường mua về nuôi là giống lai giữa heo rừng đực với heo nái địa phương, có sức đề kháng mạnh, chịu được sự thay đổi của môi trường sống, ít dịch bệnh, tỉ lệ hao hụt rất thấp.
Do đặc tính hoang dã còn nhiều nên heo rừng lai ăn tạp, mau lớn, thức ăn chủ yếu là tấm, cám, lục bình, chuối cây xắt nhỏ, rau củ quả các loại. Giá bàn cũng ổn định khoảng 100 ngàn đồng/kg, heo cho thịt chắc ít mỡ nên được người tiêu dùng ưa thích.
Hộ ông Tiêu Văn Sơn ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, nuôi heo rừng được ba năm cho biết, chi phí cho heo con chỉ từ 250 – 300 ngàn đồng/con, còn heo rừng giống khoảng 2 – 3 triệu đồng/cặp.
Do đặc tính hoang dã nên heo rừng thích sống trong môi trường tự nhiên, với khoảng 1000 m2 ông Sơn chỉ xây nền xi măng trên 100 m2 dành cho heo phối giống và heo sinh sản, còn lại là nền đất. Nhưng đặc biệt tường rào phải chắc chắn, được xây cao ráo, thông thoáng, cách xa nơi ồn ào vì heo rừng dễ hoảng hốt.
Heo đẻ mỗi năm 2 lứa, nếu chăm sóc tốt có thể đạt từ 8 - 10 con/lứa, heo con 20 ngày tuổi là có thể tự kiếm ăn và rất khỏe mạnh. Đợt vừa rồi ông bán được 5 con, mỗi con khoảng 20 kg, thu về 10 triệu đồng, trong đó lời khoảng 8 triệu đồng.
Hiện ông Sơn có hai con heo bố mẹ ban đầu và ba con heo tơ “Về thức ăn, nói chung heo rừng không cần nhiều chi phí thức ăn vì tôi tận dụng các loại rau quả vườn nhà, nhiều nhất là chuối, heo nhà mình ăn tầm bậy là không được, chứ heo rừng thì không lo. Về phần bệnh thì coi như tôi không tốn gì hết, có cái là mình phải tốn chi phí làm chuồng tường rào cho chắc chắn giai đoạn đầu trước khi mua heo về nuôi”.
Với giống heo địa phương nuôi cao nhất chỉ khoảng 4 tháng là có thể đạt 60 – 100 kg/con, còn heo rừng lai nuôi 12 – 15 tháng chỉ đạt 15 – 20 kg/con, lúc này mới có thể bán thịt. Thời gian nuôi khá lâu, trọng lượng không cao, nếu người nuôi không có nguồn thức ăn tự nhiên thì sẽ lỗ vốn, hơn nữa heo rất háu ăn, nếu thiếu thức ăn chúng sẽ cắn phá chuồng hoặc cắn phá lẫn nhau, gây thiệt hại cho người nuôi.
Chị Nguyễn Thị Linh – một hộ nuôi heo rừng ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết “Nuôi heo rừng lai lâu lắm mới bán được, trên một năm mới bán, ở đây nhờ tôi tận dụng vỏ trấu của nhà rồi đi gom cây củ quả xung quanh cho ăn chứ không là lỗ. Bán thì người ta lại tới chỗ chỉ con nào bán con đó, chủ yếu là hộ gia đình mua về ăn, chứ không có chỗ mua số lượng nhiều, một năm bán được khoảng mười mấy con thôi”.
Giống như chị Linh, rất nhiều hộ ở Sóc Trăng vì không tìm được đầu ra nên không tiếp tục mô hình này. Ngoài giá heo rừng cao gấp đôi so với heo địa phương thì thịt heo rừng cũng ít người biết đến. Hơn nữa do sống trong môi trường tự nhiên nên rất khó quản lý trong khâu vệ sinh; Nếu hộ có khu vực chăn nuôi gần khu đông dân cư rất khó áp dụng.
Để nuôi heo rừng, bà con cần kết hợp với các mô hình nông nghiệp khác, còn nếu nuôi riêng rẻ cần tính toán nguồn thức ăn và đầu ra chắc chắn, nếu không sẽ rất khó có được lợi nhuận từ mô hình này, do đó số lượng đàn heo rừng nuôi ở Sóc Trăng còn rất hạn chế.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm cá phile đông lạnh cho thị trường Brazil với khoảng 44.000 tấn cá tra trong 8 tháng, trong khi Trung Quốc xuất sang 33.000 tấn, chủ yếu là cá biển như cá minh thái, cá hồi, cá tuyết…

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra dự báo trên tại hội nghị sơ kết tình hình sản xuất niên vụ lúa năm 2014 và triển khai vụ Đông Xuân 2014-2015 tại khu vực Nam Bộ, ngày 10/10 của Bộ NNPTNT.

Vừa qua, tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Cường, xã Phú Cường, ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cùng các ngành liên quan của huyện và ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp đã họp bàn thực hiện liên kết tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2014 - 2015.

Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Cái Tàu Hạ có 16 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng; hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực: cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài huyện.

Mấy năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu nào gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cũng làm hết đất canh tác. Năm nay, 1 mẫu ruộng, gia đình ông thu hơn 2 tấn lúa, được xem là vụ hè thu bội thu nhất từ trước tới nay.