Sau đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long hiệu quả nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát

Kết quả bước đầu
Hiện nay, diện tích cây thanh long của tỉnh Bình Thuận là 24.212 ha. Năm 2014, bệnh đốm nâu trên cây thanh long đã gây thiệt hại cho người trồng. Cụ thể, diện tích bị nhiễm bệnh đốm nâu cao nhất vào tháng 8 - 9/2014, lên đến 12.870 ha, chiếm 53,1% diện tích thanh long toàn tỉnh.
Do vậy, để tiêu diệt nguồn bệnh và hạn chế tối đa sự lây lan, cuối tháng 11/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động “Tháng hành động phòng chống bệnh hại thanh long” trên địa bàn 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Tiếp đó, UBND tỉnh tiếp tục triển khai đợt cao điểm phòng, chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long trên địa bàn tỉnh, từ ngày 28/11/2014 đến ngày 30/3/2015.
Ông Phạm Hữu Thủ - Trưởng phòng nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động, tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long đến bà con. Từ khi phát động đến nay, kết quả bước đầu khá tích cực. Cụ thể, diện tích thanh long mắc bệnh đốm nâu trong tháng 3/2015 còn 1.527 ha, giảm 5.051 ha so tháng 12/2014.
Sau đợt cao điểm, toàn tỉnh đã tổ chức vệ sinh vườn thanh long được 8.863 ha; tổ chức 192 lớp tập huấn với 10.678 cán bộ, nông dân tham gia; cấp phát 38.904 tờ rơi; cung ứng 878 gói chế phẩm BIO-ADB và thu gom, tiêu hủy 700 tấn cành, trái thanh long bị bệnh. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh vườn, xử lý cành, trái bị bệnh được các địa phương chú trọng.
Trong đó, một biện pháp khá hữu hiệu để phòng trừ bệnh đốm nâu là ủ cành thanh long bằng chế phẩm BIO-ADB đã được nông dân trồng thanh long trong tỉnh quan tâm, nhân rộng.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trong mùa mưa
Đây chính là nhận định của ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp tổng kết đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long diễn ra mới đây. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này một phần do nhiều nông dân có tâm lý chủ quan, lơ là, chưa thật sự tin tưởng vào biện pháp phòng trừ bệnh của ngành nông nghiệp. Việc chỉ đạo triển khai các biện pháp kỹ thuật chưa đảm bảo tính đồng loạt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Khối lượng diện tích thu gom cắt tỉa cành chưa nhiều... Từ đó dẫn đến diện tích nhiễm bệnh ở mức thấp, nhưng không vững chắc, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn, nhất là trong mùa mưa sắp đến...
Do vậy, các địa phương trồng thanh long cần nhận thức rõ nguy cơ bùng phát bệnh đốm nâu. Mặt khác, tập trung chỉ đạo, triển khai đồng loạt quyết liệt, không được chủ quan, lơ là, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người trồng thanh long.
Theo Ban chỉ đạo phát triển thanh long bền vững tỉnh, các địa phương cần tiếp tục vận động các hộ trồng thanh long thực hiện ủ cành thanh long làm phân hữu cơ bằng chế phẩm BIO-ADB. Khắc phục tâm lý chủ quan của cán bộ, nhân dân còn trông chờ vào thuốc đặc trị bệnh... Qua đó góp phần phòng, chống bệnh đốm nâu hại thanh long đạt hiệu quả cao hơn nữa, giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bùng phát trong mùa mưa tới.
Có thể bạn quan tâm

Đến đầu tháng 8/2014, bà con nông dân huyện Di Linh đã hoàn tất việc gieo cấy lúa ruộng vụ hè thu. Theo Trung tâm Nông nghiệp huyện, trong vụ hè thu năm nay, toàn huyện đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy được trên 2.000ha lúa ruộng.

Vụ nuôi trồng thủy sản năm nay, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đưa vào thả nuôi 635 ha thủy sản nước lợ. Đến ngày 31/8, toàn huyện đã thu hoạch 100% diện tích thả nuôi.

Ngày 21/8, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình tại xã An Hải, huyện Tuy An. Đây là mô hình thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Phú Yên.

Từ nguồn vốn khoa học công nghệ huyện năm 2014, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề tài “Thử nghiệm nuôi cá chạch bùn thương phẩm” tại 2 hộ dân ở tổ dân phố 2 và tổ dân phố 10, thị trấn Mađaguôi.

Giai đoạn 2012 - 2014, cùng với sự tự vươn lên của hội viên, Hội Nông dân huyện Quế Sơn đã phối hợp tổ chức 172 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 15.280 lượt hội viên; phối hợp mở 24 lớp dạy nghề nông nghiệp, thú y, sản xuất phân hữu cơ vi sinh.