Sâu Ăn Lá Bồ Đề Gây Hại Diện Tích Rừng

Những ngày qua, sâu ăn lá bồ đề đang phát sinh và gây hại rất nhanh trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái), tập trung chủ yếu ở 3 thôn Xiêng 1, bản Tại, Lũng xã Tân Lập và hiện đang có xu hướng lây lan sang những xã lân cận như Tân Lĩnh, Phan Thanh...
Kết quả kiểm tra của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) Lục Yên cho thấy, loại sâu hại là sâu khoang, sâu xanh với diện tích nhiễm tăng từ 5 ha lên tới gần 20 ha chỉ trong vòng 1 tuần từ khi phát hiện, trong đó, diện tích nhiễm nặng khoảng 6 - 8 ha, tỷ lệ hại trung bình từ 20 - 25%, cục bộ có nơi 80 - 90%. Tại những nơi nhiễm nặng, sâu đã ăn trụi lá, ăn cả cành non khiến cây bồ đề không thể ra lá tái sinh dẫn đến chết.
Chị Hoàng Thị Ri - khuyến nông viên phụ trách xã Tân Lập cho biết: “Đây là một loại sâu mới, ban đêm sâu ăn mạnh, ngày chúng trú ẩn ở dưới gốc”.
Hiện nay, xã Tân Lập có 80 ha rừng bồ đề, thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày sâu phá hại gần 1 ha. Với sự phát triển nhanh, mạnh của loại sâu này nếu không có biện pháp diệt trừ thì sâu sẽ tiếp tục gây hại cả về diện tích cũng như mức độ. Gia đình anh Bàn Văn Hanh ở bản Xiêng 1, xã Tân Lập, sâu đã phá hại cả 3 ha bồ đề của gia đình, anh buồn bã: “Sâu ăn hết cả lá, kể cả lá non mới nhú lên, chẳng biết cây còn sống được hay không?”.
Trước tình hình đó, Trạm BVTV Lục Yên sau khi đi điều tra thực tế đã có những giải pháp trước mắt diệt trừ sâu hại như bắt bằng phương pháp thủ công, dùng bẫy đèn hoặc dùng biện pháp hoá học... Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng vào cuộc để cùng chính quyền xã Tân Lập và người dân diệt trừ sâu.
Bà Hoàng Thị Tờ - quyền Trưởng Trạm BVTV huyện Lục Yên cho biết: “Mật độ sâu cao mà cây chưa đến tuổi chưa thu hoạch, biện pháp phòng trừ thủ công rất khó mà biện pháp hoá học lại càng khó hơn vì không có bình động cơ để phun…”.
Do cây bồ đề cao, sâu lại ăn bắt đầu từ ngọn, đặc biệt là sự phá hại này lại trải dài trên một diện tích rộng hàng chục hecta, nhiều nơi rừng rậm rạp, xa nơi ở của người dân nên việc diệt trừ sâu, bảo vệ rừng trồng ở Lục Yên đang gặp rất nhiều khó khăn
Có thể bạn quan tâm

Cách đây chừng 10 năm, tỉ lệ đàn bò lai của xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) chưa cao, hiệu quả kinh tế từ nuôi bò chỉ ở mức bình thường. Trước tình hình đó, xã chủ trương tập trung vận động nông dân lai tạo đàn bò. Đến nay, đàn bò của địa phương đạt 100% bò lai, lợi nhuận đem lại từ nuôi bò đạt khá cao.

Hiện tại, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình (Cà Mau) đang áp dụng mô hình nuôi rắn hổ hèo trong chuồng cho thu nhập kinh tế cao và ổn định.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện Công văn số 1240/UBND-NL của UBND tỉnh về việc kiểm tra việc gieo ươm giống mắc ca của Công ty TNHH Giống cây trồng VinaMacca Đức Anh Gia Lai. Sở Nông nghiệp và PTNT đã ra Quyết định số 277/QĐ-SNN thành lập đoàn thanh tra tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Nhiều hộ dân tại xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) mua và trồng giống cây bơ Booth do Viện Ea Kmat (có trụ sở tại Đak Lak) cung cấp đã bị chết hàng loạt. Một số ít cây còn sống đều phát triển còi cọc.

Nhằm đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức mức phạt được tăng gấp đôi (100 triệu đồng).