Sản Xuất Vụ Thu Đông Ở Mường Chà

Năm nay tổng diện tích gieo trồng vụ thu – đông của huyện Mường Chà là 250ha, tập trung vào 3 giống cây chủ lực: ngô, lạc và đậu tương. Diện tích cây vụ thu – đông nhiều nhất tập trung ở xã Mường Mươn với 120ha, chủ yếu là ngô; diện tích còn lại rải rác ở các xã: Na Sang, Sá Tổng và Pa Ham.
So với các địa phương khác trong tỉnh, diện tích trồng cây vụ đông ở Mường Chà còn hạn chế do bà con khai hoang ở khu vực đất bồi ven sông hoặc tận dụng trong các khe suối.
Vụ thu – đông ở Mường Chà thường gối tiếp sau khi kết thúc vụ xuân hè, bà con nông dân sẽ để đất nghỉ trong vòng 1 tháng, đến cuối tháng 8 chính thức trồng vụ thu đông.
Bà Lâm Thị Thương Huyền, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Mường Chà cho biết: Vụ thu – đông năm nay có 32,2/250ha được huyện chỉ đạo người dân trồng luân phiên nhằm thay thế diện tích cây trồng vụ xuân hè bị thiệt hại do lũ cuốn trôi trong mùa mưa vừa qua.
Ngay sau đợt mưa to cuốn trôi hàng chục héc ta lúa mùa, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị khảo sát thực tế nhu cầu của các hộ dân bị ảnh hưởng đến sản xuất và triển khai trồng cây vụ thu – đông sớm hơn, góp phần đảm bảo lương thực, sớm ổn định đời sống cho người dân.
Trong đó, ngô và đậu tương là 2 giống cây được người dân lựa chọn trồng thay thế. Huyện cũng hỗ trợ 594kg đậu tương và 294kg/ngô giống cho người dân. Ngô LVN10 và nếp MX2 là những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất khá cao nên được gieo trồng phổ biến hơn.
Vụ thu – đông năm nay, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện triển khai mô hình trồng lạc ở xã Sá Tổng với diện tích 4ha tại 3 bản: Sá Tổng, Phi 2 và Xá Ninh, tổng kinh phí thực hiện mô hình 100 triệu đồng. Trước đây, mỗi vụ thu – đông bà con dân bản vẫn thường trồng giống lạc địa phương ở những chân đồi thấp, mát nên không mất nhiều công chăm sóc.
Song do giống cũ là loại lạc đỏ, củ bé, tỷ lệ đậu hạt không cao nên năng suất thấp (trung bình đạt 20 tạ/ha), hiệu quả kinh tế kém. Năm nay, với sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ khuyến nông – khuyến ngư huyện, bà con đưa vào trồng thử nghiệm giống lạc TB25 do Công ty Giống cây trồng Thái Bình cung cấp đã từng được trồng ở xã Mường Mươn trong niên vụ trước.
Vừa qua, trạm phối hợp với chính quyền xã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình. Với năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha, giống lạc TB25 có ưu thế trội hơn so với giống địa phương bà con thường gieo trồng. Tỷ lệ đậu hạt tương đối cao, 3 – 4 hạt/quả, hạt mẩy, tròn, nếu bán non ngoài thị trường cũng được 12.000 đồng/kg.
Mặc dù diện tích trồng cây vụ thu – đông ở huyện không lớn, song để đạt hiệu quả cao, giúp người dân đảm bảo phần nào lương thực trong mùa giáp hạt, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất và giải quyết việc làm lúc nông nhàn, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Mường Chà tăng cường chỉ đạo, giám sát tại cơ sở.
Đặc biệt, cán bộ thường xuyên bám bản hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân thực hiện đúng quy trình, nhất là trong những ngày thời tiết rét đậm, có sương muối và áp dụng biện pháp chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hợp lý đúng thời vụ.
Hiện nay, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây vụ thu – đông ở huyện Mường Chà. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện thì năng suất ngô, giống chủ lực trong vụ thu - đông sẽ đạt trung bình 18,7 tạ/ha; đậu tương đạt 12 tạ/ha.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-v%E1%BB%A5-thu-%E2%80%93-%C4%91%C3%B4ng-%E1%BB%9F-m%C6%B0%E1%BB%9Dng-ch%C3%A0
Có thể bạn quan tâm

Tuy nhiên bà con luôn lo lắng về bệnh dịch vì năm nào cũng xảy ra dịch bệnh viêm ruột, trùng quả dưa, đốm đỏ... làm cá chết hàng loạt. Trong khi đó, bà con chủ yếu nuôi cá theo kinh nghiệm, chưa có phương pháp phòng trừ, việc chữa trị còn lúng túng, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của các hộ nuôi...

Sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được hàng chục triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia trên dưới 1 triệu đồng. Riêng tàu cá QNg – 98214 TS của ngư dân Nguyễn Mai thu được hơn 3 tấn. Anh thu được khoản lãi gần 20 triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia 1 – 1,5 triệu đồng.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 7.000 tàu cá, trong đó, có hơn 2.500 tàu công suất lớn, khai thác xa bờ. Từ ngày 1.1.2015, mùa đánh bắt thủy hải sản năm nay chính thức bắt đầu. Đến thời điểm này, nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương sau mỗi chuyến cập bờ đạt sản lượng trung bình từ 3,5 - 4 tấn, sau khi trừ chi phí mỗi tàu lãi từ 60 - 70 triệu đồng.

Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2015, nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản số 373/TCTS-NTTS, ngày 11/02/2015, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố ven biển tăng cường các biện pháp chỉ đạo quản lý thời vụ nuôi tôm nước lợ.

Để giúp bà con nuôi tôm quản lý thức ăn tiết kiệm và hiệu quả, ngày 06/02/2015 tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu (TTKNKN) tổ chức lớp tập huấn “Thúc đẩy cải thiện thực hành quản lý cho ăn trong nuôi tôm” cho 35 nông dân nuôi tôm.