Sản xuất vụ Ðông Xuân 2015-2016 ở Hoài Nhơn: Mục tiêu lớn, quyết tâm cao

Nông dân Hoài Nhơn đang làm đất chuẩn bị sản xuất vụ ĐX 2015-2016
Theo kế hoạch, trong vụ này toàn huyện gieo sạ 5.840 ha lúa, gồm chân 3 vụ gần 3.400 ha, chân 2 vụ hơn 2.400 ha.
Trước khi bước vào vụ gieo sạ mới, công tác tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân được chú trọng, ngành chức năng của huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức gần 100 lớp tập huấn cho hàng ngàn lượt nông dân.
Cùng với khâu làm đất, tranh thủ sau các đợt mưa lớn vào những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, bà con tập trung cày dầm vùi lấp mầm bệnh, cỏ dại.
Ngoài việc tiếp nhận và sử dụng 2.250 kg thuốc sinh học Biorat của huyện phân bổ để diệt chuột trước khi vào vụ, các địa phương phát động nông dân ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào bắt, sử dụng bẫy, phát quang bụi rậm; bắt ốc bươu vàng và tiêu diệt trứng ốc.
Ông Huỳnh Biên, nông dân ở thôn Mỹ An 1, xã Hoài Thanh, cho biết: “Diệt chuột và diệt ốc bươu vàng là một trong những khâu thiết yếu để đảm bảo năng suất cả vụ, nên hầu hết bà con nông dân đều chú trọng, nhất là ở các chân ruộng trũng, ốc bươu vàng nhiều, nếu không diệt sạch thì khi sau xuống giống ốc sẽ cắn phá hết mầm lúa”.
Về cơ cấu giống cũng được ngành chức năng chỉ định các giống nguyên chủng, giống lúa lai khá cụ thể.
Để đảm bảo đủ giống cung ứng cho bà con gieo sạ trong vụ, ngay từ đầu tháng 11, Trạm Khuyến nông và các điểm cung ứng dịch vụ lúa giống trên địa bàn huyện đã nhập về hàng chục tấn lúa giống các loại để đáp ứng nhu cầu.
Ý thức là vụ lúa chủ lực, ngay sau khi kết thúc vụ Hè Thu, huyện tập trung chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương phải xây dựng phương án sản xuất cụ thể.
Cùng với sản xuất lúa theo kế hoạch đề ra, trong vụ này huyện sẽ triển khai xây dựng 1 cánh đồng lớn, 29 cánh đồng mẫu lớn và 30 cánh đồng kỹ thuật tiên tiến với tổng diện tích hơn 1.600 ha.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Thời gian qua, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng tiên tiến đã mang lại hiệu quả tích cực, năng suất lúa vượt trội, được nông dân hưởng ứng.
Vì vậy, trong vụ này huyện tiếp tục triển khai thí điểm 1 cánh đồng lớn quy mô 200 ha tại xã Hoài Mỹ”.
Huyện cũng đưa ra phương án sản xuất lúa vụ ĐX 2015-2016 trong điều kiện thiếu nước tưới, bởi đến nay lượng nước ở các hồ chứa khá thấp, mới đạt 43% dung tích thiết kế, thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu từ nay đến đầu vụ sản xuất mà lượng mưa không đáng kể thì sẽ giảm gần 1.000 ha sản xuất lúa có nguy cơ thiếu nước để chuyển sang các loại cây trồng cạn.
Riêng đối với những chân ruộng trũng tại các xã Hoài Mỹ, Tam Quan Nam, Hoài Sơn, Hoài Đức, Hoài Hương, phương án thoát nước cũng được triển khai cùng lúc.
Ông Trần Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, cho biết: “Vụ ĐX thời tiết thường diễn biến phức tạp, ngoài việc triển khai phương án sản xuất cụ thể, xã chú trọng công tác nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy để tiêu thoát úng kịp thời khi có mưa lớn xảy ra, hạn chế thấp nhất tình trạng mất giống đầu vụ”.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) xảy ra nhiều vụ tai nạn về điện trong nuôi tôm công nghiệp. Trước tình hình trên, huyện Đầm Dơi đã có nhiều giải pháp, đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân sử dụng điện an toàn hơn.

Trong khi các nhà khoa học vẫn chưa tìm được phương pháp khắc phục dịch bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm (EMS), thì một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thử nghiệm đưa bột bã mía vào ao nuôi tôm của mình.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, tôm xuất khẩu sang các thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản đã liên tục bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline.

Từ nhiều năm nay, người cao tuổi ở các xã trong huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đều đã biết về cây chè hoa vàng dùng để nấu nước uống giống như cây chè xanh bình thường. Đây là loài cây mọc tự nhiên trong rừng.

Anh Nguyễn Tâm Đăng ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là người đầu tiên thành công nuôi dưỡng cá bông lau từ nguồn giống tự nhiên với quy mô lớn nhất ĐBSCL. Đây là loài cá có giá trị cao gấp 4 - 5 lần cá tra.