Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Doanh Nghiệp FDI Chiếm Lĩnh

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng trưởng tốt nhờ chăn nuôi đang dần phục hồi. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ước cả năm 2014, sản lượng đạt khoảng 14 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với năm 2013.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn là các đại gia nắm quyền chi phối trong ngành này. DN nhỏ và vừa đang chật vật tìm hướng để tồn tại trong giai đoạn hội nhập.
* Tăng trưởng tốt hơn
Khảo sát thị trường thức ăn chăn nuôi cho thấy, sản phẩm do các tập đoàn FDI, như: CP, Cargill, Emivest... hiện đang chiếm lĩnh thị trường. Trong đó, sự chuyển hướng từ chăn nuôi tư nhân sang chăn nuôi gia công cho các công ty FDI là lợi thế cạnh tranh không nhỏ.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, cho biết hiện chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình đang dần được thay thế bằng chăn nuôi trang trại với quy mô lớn. Trong đó, trên 90% trang trại chăn nuôi gia cầm đều nuôi gia công cho DN FDI. Chăn nuôi heo gia công cũng đang có chiều hướng tăng, hiện chiếm khoảng 20% trên tổng số trang trại ở địa phương.
Theo các chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai, thị trường thức ăn chăn nuôi ngày càng cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, tham gia cuộc đua này chủ yếu là các tập đoàn, DN lớn do nước ngoài đầu tư. Ngoài cạnh tranh về giá, các thương hiệu lớn đang giữ chân khách hàng bằng dịch vụ, chiến lược khuyến mãi.
Đại diện của Công ty cổ phần Việt Pháp (Proconco) nhận xét, gần 1 năm nay, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đang dần khởi sắc khi người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư, tái đàn nhờ giá tốt.
Giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm mạnh, các hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi đang chạy đua thu hút khách bằng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi. Dự đoán, từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi sẽ khá ổn định.
* Doanh nghiệp nhỏ chật vật tìm cơ hội
Thức ăn chăn nuôi nội địa chủ yếu do các DN nhỏ và vừa đầu tư đang chiếm vị trí khá khiêm tốn trên thị trường, vì đối tượng khách hàng chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần bị thu hẹp. Không ít DN đối mặt với nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản.
Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH VaCo (huyện Vĩnh Cửu), lo lắng: “DN sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa đang “chết” dần vì không cạnh tranh được trên thị trường do thua về vốn, công nghệ, quản trị…”.
Giai đoạn sản xuất - kinh doanh tốt, trung bình mỗi tháng Vaco cung cấp ra thị trường khoảng 500 tấn thức ăn gia súc nhưng 2 năm trở lại đây chỉ sản xuất cầm chừng, có giai đoạn ngừng hẳn. “Để tìm cơ hội trong giai đoạn khó khăn, VaCo hiện đang tham gia làm thành viên xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi của Hợp tác xã Đồng Hiệp.
Ngoài khó khăn về vốn, chúng tôi đang gặp nhiều trở ngại về thủ tục hành chính trong chuyển đổi hoạt động. DN nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước bằng các chính sách, cơ chế ưu đãi thiết thực, cụ thể” - ông Nguyễn Văn Anh nói.
Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, cũng cho rằng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã bão hòa. Mặt khác, những bất hợp lý trong hoạt động vận tải khiến việc tổ chức sản xuất tại chỗ đang có nhiều lợi thế nên người chăn nuôi chuyển hướng đầu tư tự trộn thức ăn chăn nuôi. DN nhỏ và vừa trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì đang đối mặt với áp lực cạnh tranh tứ bề như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Đến nay, tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tiên Phú (xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre) đã có khoảng 60 container chôm chôm “bay” ra thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Cũng từ tổ hợp tác này, lần đầu tiên trái chôm chôm của Bến Tre đã tự hào bay xa và hội nhập. Anh Nguyễn Hữu Tâm là người đã ghi công đầu trong việc mở đường cho mặt hàng này xuất khẩu.

Nghề sản xuất nghêu giống mang lại thu nhập cao cho nông dân (Ảnh chụp tại trại nghêu giống ông Trần Văn Vinh – xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang)

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các loại nông sản đều giảm giá mạnh, nhưng cam sành vẫn giữ được giá cao với gần 30.000 đồng/kg nên rất nhiều người đã đốn nhãn, dừa.

Trong những năm qua, để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã tập trung hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất; cách phòng, chống dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là xây dựng mô hình trình diễn. Mặc dù qua đánh giá, các mô hình trình diễn đều mang lại hiệu quả cao, người dân rất phấn khởi tham gia, nhưng khả năng nhân rộng lại hạn chế. Nguyên nhân là do khó tìm được đầu mối cung ứng giống, đòi hỏi đầu tư, thâm canh cao, thị trường tiêu thụ không ổn định... Những khó khăn đó đòi hỏi khi xây dựng mô hình cần phải tìm hiểu kỹ để khắc phục những hạn chế trên.

Hiện nay, năng suất bình quân của cây mía tại Đồng Nai đạt khoảng trên 59 tấn/hécta/năm. Tuy nhiên, một số nông dân trong tỉnh lại có “bí quyết” đẩy năng suất mía cao gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân.