Cánh Đồng Liên Kết Giúp Ổn Định Đầu Ra

Ông Nguyễn Minh Tiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho hay: “Mô hình cánh đồng liên kết gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa trên địa bàn huyện bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Diện tích liên kết sản xuất từng bước mở rộng, đa số các doanh nghiệp tham gia liên kết đều có cung ứng đầu vào cho nông dân, tạo sự ràng buộc hơn giữa các bên tham gia liên kết, giúp người nông dân ổn định đầu ra, an tâm sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích”.
Trong năm 2014, toàn huyện triển khai thực hiện cánh đồng liên kết được 4.000ha tại các xã Phương Thịnh, Gáo Giồng, Phong Mỹ, Ba Sao, Tân Nghĩa, Mỹ Thọ và Tân Hội Trung với sự đồng hành của các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV lương thực Tân Hồng, Công ty TNHH MTV KD và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên, Công ty TNHH TM-DV Thiên Nhiên và Doanh nghiệp Xay xát Hữu Tài, Công ty TNHH MTV Hiếu Nhân, Cơ sở xay xát Hồ Văn Tràng. Đến nay, diện tích lúa ký hợp đồng tiêu thụ là 1.375,3ha (đông xuân 2013-2014: 751ha, hè thu 2014: 624,3ha)
Mô hình cánh đồng liên kết mang lại hiệu quả đáng ghi nhận là giúp nhiều nông dân tìm đầu ra nông sản. Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng hoàn toàn như mong đợi. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, có sự chênh lệch khá lớn giữa hợp đồng liên kết và diện tích thực tế được tiêu thụ. Đơn cử mùa vụ đông xuân 2013-2014, hợp đồng tiêu thụ là 2.873ha, trong khi diện tích tiêu thụ thực tế chỉ có 750ha.
Theo ông Nguyễn Minh Tiền, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc chưa gặp nhau giữa người nông dân và doanh nghiệp là giá cả. Một số công ty ký hợp đồng với hợp tác xã không có ràng buộc đầu vào cho các hộ sản xuất, nên khi giá lúa biến động hai bên ít chịu thương lượng và kết quả không thực hiện được hợp đồng. Mặt khác, khi giá lúa đang lên hoặc ở mức cao, người dân không muốn bán cho công ty. Ngược lại, khi giá lúa đang xuống công ty lại chờ giá xuống thêm.
Hình thức thu mua cũng là vấn đề gây trở ngại. Một số doanh nghiệp tổ chức thu mua tại nhà máy trong khi nông dân lại ưa chuộng hình thức bán lúa tươi tại ruộng. Ngoài ra, năng lực quản lý, điều hành hoạt động của các hợp tác xã chưa đủ mạnh, công tác ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào chưa đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế. Nông dân chưa nhận biết đầy đủ lợi ích của việc tham gia cánh đồng liên kết, vẫn còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải mua với giá cao.
Dự kiến trong năm 2015, huyện sẽ triển khai thực hiện trên 5.000ha cánh đồng liên kết. Định hướng giai đoạn năm 2016 - 2025, sẽ triển khai thực hiện khoảng 18.500ha cánh đồng liên kết.
Có thể bạn quan tâm

“Phong trào xây dựng NTM như luồng gió mới, góp phần đổi thay diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, cải thiện cuộc sống và thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển” - Đó là khẳng định của ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 3 năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với đặc thù của Điện Biên, chương trình cần “điểm nhấn” và giải pháp đột phá để thành công.

Với kiểu khai thác tận diệt, nhiều loại thủy, hải sản ven bờ các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng. Sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản ở khu vực này cũng đẩy hàng ngàn hộ dân rơi vào tình cảnh khốn khó. Hệ sinh thái ven bờ đang có nguy cơ bị đảo lộn hoàn toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ngoài nguyên nhân người đánh bắt dùng xuyệt, lưới rùng, đánh thuốc để bắt theo kiểu tận diệt thì tình trạng sử dụng thuốc hóa học bừa bãi trên đồng ruộng đã khiến cho môi trường sống của các loài thủy sinh bị ô nhiễm nặng nề. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sinh này.

Tuy là chủ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thương mại nhưng công việc thường xuyên của ông Mai Thăng Long là gặp gỡ nông dân, làm việc ngay tại các ruộng lúa. Hiện Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long (TP.Biên Hòa) của ông Long đang đầu tư cho nông dân xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm lúa sạch cho bà con với giá cao hơn thị trường.

Cùng với việc coi trọng công tác tuyên truyền bảo vệ, bổ sung nguồn lợi thủy sản, các địa phương và cơ sở sản xuất đã tăng cường các biện pháp cải tạo ao nuôi, sửa chữa lồng, bè, thuyền và thực hiện các biện pháp phòng - chống dịch bệnh nên tình hình dịch bệnh thủy sản ổn định. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.450 thuyền các loại hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và có 4.700 lao động làm nghề thủy sản.