Sản Xuất Thành Công Giống Ngan Lai Vịt

Công nghệ thụ tinh nhân tạo giúp giảm chi phí SX con giống từ 5 - 7%, tỷ lệ nở đạt trên 82%, tỷ lệ loại I đạt cao tới 95%.
Năm 2014 Trường Trung cấp Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Hải Dương) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) xây dựng thành công mô hình SX ngan lai vịt bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo giữa ngan trống R71 với vịt mái M14.
Mô hình được triển khai trên quy mô nông hộ của 12 hộ chuyên chăn nuôi gia cầm ở các xã Cẩm Hoàng, Cẩm Đình, Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng), Hùng Thắng (huyện Bình Giang), Thanh Hải (huyện Thanh Hà), Nam Hồng, Đồng Lạc (huyện Nam Sách) và phường Việt Hòa (TP Hải Dương).
750 con vịt mái M14 sau 24 tuần tuổi đạt khối lượng bình quân 3,1 kg/con, tỷ lệ sống trung bình đạt 99%, khả năng sinh sản khá tốt (tuổi đẻ là 182 ngày, tỷ lệ đẻ đạt 79,4% đàn), tiêu tốn thức ăn đạt 3,93 kg/10 quả trứng, là loại vịt có sức sống cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương.
Theo các tác giả của nhóm đề tài, công nghệ thụ tinh nhân tạo giúp giảm chi phí SX con giống từ 5 - 7%, tỷ lệ nở đạt trên 82%, tỷ lệ loại I đạt cao tới 95%.
Đề tài đã tạo ra được 3.250 con lai cung cấp cho 9 hộ nuôi theo hướng lấy thịt. Sau 10 tuần tuổi, nuôi thương phẩm đạt khối lượng bình quân 3,6 - 3,7 kg/con, tiêu tốn thức ăn từ 10 - 11 kg/con, tỷ lệ sống đạt bình quân 95%, tỷ lệ thịt xẻ cao, trên 73%, tỷ lệ thịt lườn đạt 18%, thịt đùi trên 13%, sử dụng được cả con trống và con mái để nhồi gan béo, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của vật nuôi.
So sánh giữa con lai ngan - vịt và vịt M14 cho thấy, con lai lớn nhanh hơn, lượng tiêu tốn thức ăn thấp hơn; tuổi giết thịt ngắn hơn so với ngan, chất lượng thịt ngon hơn thịt vịt, trắng hơn thịt ngan và ít mỡ hơn; khối lượng con trống và con mái chênh lệch nhau không nhiều.
Đánh giá sự thành công của mô hình, ông Triều Đình Luân ở xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng nuôi 250 con vịt mái M14 và 20 con ngan trống R71 cho biết, đây là phương pháp nhân giống có nhiều ưu điểm.
Tạo ra con giống khỏe, dễ nuôi, lượng tiêu tốn thức ăn thấp, chất lượng thịt ngon, giá bán cao nên cho lợi nhuận lớn, tỷ lệ thụ tinh cao (chỉ cần 1 cc tinh dịch của ngan trống R71 có thể thụ tinh cho 20 con vịt mái M14, cao gấp 2 - 3 lần cách làm cũ), giúp người chăn nuôi tiết kiệm được chi phí. Hiện giống lai ngan - vịt được người chăn nuôi ưa chuộng.
Có thể bạn quan tâm

Tính đến ngày 29/7/2015, diện tích lúa Hè Thu của An Giang đã thu hoạch được trên 120 ngàn ha, chiếm trên 52% diện tích xuống giống.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, PVFCCo vừa phối hợp với Cục Trồng trọt và Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững theo công nghệ tiên tiến Nhật Bản” tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho hơn 100 cán bộ nông nghiệp, nông dân giỏi trên toàn quốc.

Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay toàn tỉnh Cà Mau sẽ gieo cấy trên 42.800 ha lúa trên đất nuôi tôm ở những địa phương có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh, chủ động tháo rửa mặn ngay đầu vụ và giữ ngọt đến cuối vụ. Các diện tích này tập trung chủ yếu ở huyện Thới Bình, U Minh và một phần của huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và TP Cà Mau.

Theo Đề án “Quy hoạch sản xuất cá tra đến năm 2020”, An Giang dự kiến diện tích nuôi đạt 1.430 ha, tập trung tại các huyện: Long Xuyên, Thoại Sơn, Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân…

Mới đây, tại xã Vĩnh Xương (TX Tân Châu, An Giang), đã diễn ra lớp tập huấn “Kỹ thuật quản lý dịch bệnh trên cá tra” cho hơn 60 hộ nông dân.