Sản xuất lúa hè thu chật vật trong nắng nóng

Những ngày qua, trời tiếp tục nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, bà con nông dân huyện Núi Thành vào vụ sản xuất lúa hè thu với nhiều khó khăn...
Theo lịch thời vụ, vụ lúa hè thu bắt đầu sạ từ ngày 15.5 và kết thúc vào 31.5.2015, tuy nhiên, do nắng nóng nên hầu hết địa phương của Núi Thành, tiến độ sạ lúa hè thu đều chậm và có thể trễ so với lịch thời vụ. Ông Nguyễn Diều – cán bộ nông nghiệp xã Tam Xuân 1 lo lắng: “Trời nắng nóng quá, nông dân không dám ngâm giống nhiều. Vụ lúa hè thu năm nay, Tam Xuân 1 sản xuất giống ngắn ngày chiếm 80%, còn lại 20% sử dụng giống trung ngày.
Đến ngày 22.5 toàn xã cày ải được 70% tổng diện tích nhưng mới sạ được 20ha, có khả năng sản xuất lúa hè thu sẽ trễ hơn lịch thời vụ 5 ngày”. Còn ông Trần Đình – cán bộ nông nghiệp xã Tam Xuân 2 thì cho biết: “Lượng nước năm nay về tương đối đầy đủ nhưng nông dân xã Tam Xuân 2 xuống giống trễ. Vụ này Tam Xuân 2 sản xuất 700ha lúa, sử dụng chủ yếu giống ngắn ngày HT1, Khang dân... Chúng tôi rất lo lắng vì nắng nóng đang kéo dài”.
Tại xã Tam Hiệp, theo ông Trần Bá Tùng - cán bộ phụ trách nông nghiệp, đến nay xã Tam Hiệp mới làm đất 30% trong tổng số 160ha lúa hè thu chủ động nước (chưa kể 80ha không chủ động nước). Ông Tùng nói: “Do nắng nóng, đập Trà Tây thiếu nước, gàu sòng gàu dai tát nước thì không còn nên xã không thể sản xuất đúng lịch thời vụ được”.
Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay huyện Núi Thành sản xuất 3.400ha. Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, tiến độ sản xuất lúa ở các địa phương đều chậm. Theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, vụ hè thu bà con nông dân Núi Thành sử dụng giống lúa trung và ngắn ngày để gieo sạ tập trung theo trà nhằm tiết kiệm nước tưới, đảm bảo thời vụ. Trong vụ này, huyện Núi Thành rất chú ý đến phân bổ nguồn nước từ hồ chứa Phú Ninh, hồ Thái Xuân. Đối với các hồ, đập địa phương quản lý, tùy khả năng phục vụ tưới trong vụ hè thu mà bố trí sản xuất hợp lý, tránh thiếu hụt nước cho cây trồng.
Dự báo vụ hè thu năm nay thời tiết nắng nóng nên có khả năng nhiều hồ đập sẽ khô hạn, thiếu nước ở một số vùng. Ngành nông nghiệp huyện Núi Thành khuyến cáo bà con nông dân nên chuyển một số diện tích lúa nước tưới bấp bênh sang sản xuất các loại cây trồng cạn như bắp, đậu các loại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh mất mùa do thiếu nước.
Ông Trần Văn A - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành cho biết, để vụ lúa hè thu đạt hiệu quả cao, bà con nông dân nên thực hiện sạ cùng trà cùng loại giống trên từng cánh đồng để dễ áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm, dễ chăm sóc và hạn chế sâu bệnh gây hại”.
Do có khả năng khô hạn thiếu nước tưới trong vụ là rất lớn nên nông dân cần thực hiện phương án tưới “ướt khô xen kẽ” theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, cần áp dụng triệt để phương pháp tưới nước tiết kiệm để đảm bảo lượng nước tưới cho cả vụ.
Một trong những khó khăn hiện nay là vào thời điểm chuyển vụ gieo trồng, thức ăn của chuột ở ngoài đồng ít, chuột thường gây hại tập trung trên các trà lúa mới sạ. Theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành, biện pháp tốt nhất hiện nay là ra quân đồng loạt đào hang bắt chuột. Các địa phương cần tổ chức cho nông dân ra quân đào bắt kết hợp với hun khói, đổ nước... để diệt chuột đồng thời xây dựng kế hoạch diệt chuột cho cả vụ để chủ động phòng trừ trong từng giai đoạn…
Có thể bạn quan tâm

Kinh nghiệm này được nông dân Lý Việt Bắc rút ra sau 3 năm “tăng hu” gầy nuôi được 4 con bò sữa. Anh Bắc cho biết gia đình anh có 6 miệng ăn (cha mẹ già, hai vợ chồng anh và hai đứa con) nhưng chỉ có 2 công vườn trồng chanh. Mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn trái, nhưng giá cả bấp bênh, chưa bao giờ bán được tới 8.000 đồng/kg. Vợ anh làm công nhân xí nghiệp, còn anh cũng phải đi làm mướn kiếm thêm nhưng cũng không dư dả gì.

Được biết, làng hoa Sa Đéc là một trong những vựa trồng hoa kiểng lớn nhất vùng ĐBSCL, với diện tích trồng hoa kiểng trên 400ha cùng hơn 2.000 hộ trồng và kinh doanh hoa kiểng. Hằng năm, làng hoa Sa Đéc cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hàng chục triệu giỏ hoa các loại. Giá trị sản xuất hoa kiểng năm 2015 của TP Sa Đéc ước đạt 622 tỉ đồng.

Nhiều diêm dân trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện nay việc tiêu thụ muối trải bạt vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ít có thương lái thu mua, giá muối trải bạt không chênh lệch nhiều so với muối thường. Giá muối trải bạt thời điểm này là 900 đồng/kg, muối thô chỉ còn 750 đồng/kg, giảm gần 500 đồng so với niên vụ trước.

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Ngoài các khâu làm đất, vận chuyển đã được cơ giới hóa 100%, các khâu tưới nước, làm khô, xay xát và bảo quản… cũng có mức độ cơ giới hóa tăng mạnh so với những năm trước. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp chỉ mới tập trung ở những vùng có điều kiện thuận lợi.

Về nuôi tôm, diện tích thả nuôi cả nước trong tháng 2 ước đạt 142.688 ha (tôm sú 138.872 ha, tôm thẻ chân trắng 3.816 ha), sản lượng thu hoạch 7.771 tấn (tôm sú 3.642 tấn, tôm thẻ chân trắng 4.128 tấn). Diện tích nuôi cá tra (tính cả diện tích chuyển từ năm 2014 sang) đạt 1.818 ha, sản lượng 108.047 tấn, tuy nhiên, giá cá tra đã sụt giảm trong tháng, trung bình 76 đồng/kg.