Sắn Héo, Mía Khô Do Nắng Hạn

Gần 4 tháng qua, trên địa bàn huyện Sông Hinh (Phú Yên) không có mưa, thời tiết hanh khô kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong đó thiệt hại nặng nhất là các loại cây trồng cạn, đặc biệt là sắn và mía - 2 cây trồng chủ lực của huyện.
Theo Phòng NN-PTNT huyện, trên diện tích 4.500ha sắn đã thu hoạch, nông dân đã trồng mới được khoảng 2.200ha sắn. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài nên diện tích sắn vừa trồng bị hư hại từ 50 đến 70%, cá biệt có những diện tích gần như mất trắng.
Có mặt tại rẫy sắn của ông Nguyễn Quốc ở thôn Đức Hòa, xã Đức Bình Đông, chúng tôi tận mắt chứng kiến thiệt hại do hạn hán gây ra. Được trồng từ tháng 11/2013, như các năm trước thì đến nay, sắn đã cao đến ngang ngực. Thế nhưng, do nắng hạn gay gắt nên đã có đến 70% hom giống bị khô; 30% hom giống còn lại tuy mọc được nhưng khằng lại không phát triển vì thiếu nước.
Ông Quốc cho biết, không chỉ gia đình ông bị thiệt hại mà hầu hết sắn mới của bà con trong thôn, trong xã đều cùng chung hoàn cảnh.
Đối với sắn đúng kỳ thu hoạch cũng bị thiệt hại không kém. Do hạn hán kéo dài nên hầu hết diện tích sắn trong chu kỳ (khoảng 5.300ha) đều rụng lá, cây sắn không phát triển nên năng suất thấp. Mặt khác, do lâu ngày không có mưa nên lớp đất mặt chai cứng, rất khó thu hoạch.
Vì vậy, chi phí thu hoạch sắn trong thời điểm này tăng cao và sản lượng cũng thất thoát lớn do sắn bị đứt khi nhổ. Nhiều diện tích sắn đã đến kỳ thu hoạch nhưng người dân chờ mưa mới thu hoạch được.
Còn về cây mía, ngoài diện tích đã thu hoạch, trên địa bàn Sông Hinh còn gần 2000ha mía đứng với sản lượng ước khoảng 114.000 tấn. Với mức thu mua của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đối với địa bàn Sông Hinh là 2.200 tấn mía/ngày, thì sau 50 ngày nữa lượng mía của huyện mới thu hoạch xong.
Trong khi đó, hầu hết mía đã quá độ chín sẽ ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch chậm và rất dễ xảy ra cháy. Ngoài ra còn khoảng 300ha mía tơ bị khô héo, cũng có nguy cơ mất trắng nếu không có mưa trong những ngày tới.
Theo Phòng NN-PTNT huyện, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do hạn hán trên địa bàn huyện tuy chưa thống kê đầy đủ nhưng khả năng là rất lớn. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Huyện đang tiến hành triển khai rà soát mức độ thiệt hại trên toàn bộ cây trồng, vật nuôi; đồng thời đưa ra những giải pháp để giúp nông dân ổn định sản xuất.
Đối với diện tích cà phê, tiêu và một ít diện tích mía có nguồn nước, động viên người dân huy động phương tiện bơm tưới để chống hạn. Huyện cũng đang lập phương án hỗ trợ giống cho nông dân, đặc biệt là bà con các vùng dân tộc thiểu số để khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất và cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

Theo đó, Đồng Nai chọn thực hiện thí điểm BHNN trong chăn nuôi đối với bò, heo, gà, vịt trên địa bàn các xã: Xuân Định, Bảo Hòa, Suối Cao (Xuân Lộc); Phú Xuân, Phú Thanh, Phú Lâm (Tân Phú); Phú Túc, Gia Canh và Phú Hòa (Định Quán)

Mô hình nuôi lươn của 12 hộ đầu tiên ở buôn Kte có hiệu quả, bà con xung quanh được tham quan học hỏi kinh nghiệm nên gần đây có thêm nhiều hộ đồng bào Jrai ở trong buôn và trong xã cũng bắt đầu đào bể nuôi lươn trong vườn nhà. Nghề nuôi lươn đã mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân vùng quê lúa này

Được mệnh danh là một tỷ phú trên đất mía, đó là anh Hồ Văn Đức, sinh ra và lớn lên tại đất võ Tây Sơn-Bình Định. Ông lên lập nghiệp và gắn bó với cây mía từ năm 1994 tại xã An Thành, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. Bao năm thăng trầm với cây mía, giờ gia đình anh Đức đã có đến 56 ha mía liệt vào dạng “đại gia” chân đất của Đak Pơ

Theo những người trồng dứa, mùa dứa năm nay trúng đậm và được giá. Mỗi trái dứa sau khi thu họach đưa xuống núi, thương lái mua từ 5.000 – 8.000 đồng/trái, sản lượng tăng hơn 1,5 lần so với vụ mùa trước. Sau khi trừ hết chi phí, người dân thu lợi từ 30-35 triệu đồng/ha

Ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) có những thanh niên chăn bò có thu nhập lên tới 1-2 triệu đồng/ngày. Có người trở thành tỉ phú từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp từ nghề nuôi bò thuê.