Ruộng Khô, Cỏ Cháy Ở Đức Phổ (Quảng Ngãi)

Lẽ ra vào thời điểm này, bà con nông dân ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đang hối hả xuống giống vụ hè thu, nhưng hiện nay hàng nghìn héc ta đất canh tác trên địa bàn huyện phải bỏ hoang, ruộng khô cỏ cháy.
*Ruộng đồng khô khốc
Mọi năm, thời điểm này nhà nhà, người người phải cật lực làm đất, vận chuyển phân, dọn ruộng để xuống vụ hè thu. Nhưng những ngày nay, chạy dọc Quốc lộ 1 thuộc các xã ở huyện Đức Phổ, những cánh đồng cò bay thẳng cánh giờ chỉ là những thửa ruộng khô khốc, trơ gốc rạ. Bờ bãi, ao hồ nứt nẻ. Khắp các cánh đồng, không một tiếng máy cày, tiếng gọi nhau í ới của bà con nông dân dù đang vào vụ sản xuất.
Ngay cả khu vực thấp nhất, nằm cạnh một con mương thật to bà con cũng không thể gieo sạ được vì thiếu nước. Mặc dù những ngày gần đây, trên địa bàn huyện có mưa giông vào chiều tối, nhưng cũng chưa đủ ướt đất.
Cắm cúi dắt con trâu giữa cánh đồng khô khốc, không một bóng người, nông dân Nguyễn Tấn Phi, ở thôn Trung Sơn, xã Phổ Khánh lắc đầu ngao ngán: Chưa năm nào ruộng phải bỏ không như năm nay. Chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài việc chăn trâu. Nhà nông gắn bó với ruộng đồng, giờ không có ruộng rồi đây không biết lấy gì mà ăn? Nhà nông khổ trăm bề”.
Sự lo lắng của ông Phi cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ dân và các địa phương trong tỉnh. Ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết, hiện toàn xã có tới 170 ha đất lúa ở 4 thôn không có nước để gieo sạ do hồ Liệt Sơn không tích đủ nước và hồ Ông Thơ đang nấp cấp cống thoát nước.
Tại xã Phổ Cường cũng có tới 500 ha/750 ha rơi vào tình cảnh tương tự do hồ Liệt Sơn cắt nước 1/2 diện tích gieo sạ vụ hè thu của xã. Không gieo sạ được bà con thất nghiệp, nhiều người đành bỏ quê tha phương tìm việc. Ở xã Phổ Thạnh để không bỏ ruộng, nhiều nơi bà con đã đóng giếng ngay giữa đồng nhưng vẫn không có nước.
*Lạy trời mưa xuống
Để giảm thiệt hại do hạn hán, nhiều địa phương trong huyện đã vận động bà con chuyển sang canh tác các loại cây trồng ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều diện tích chuyển đổi cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì thiếu nước.
Đầu tư hơn 5 triệu đồng để xuống giống 8 sào bắp, ông Nguyễn Tấn Ưu, ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường như đang "ngồi trên đống lửa" vì những giọt nước cuối cùng của con mương kề bên thửa ruộng còn đọng lại từ vụ đông xuân đã bốc hơi gần hết.
“Mấy năm trước, ruộng đồng lai láng nước, bà con tha hồ mà gieo sạ. Chúng tôi chưa bao giờ phải lo thiếu nước vì ruộng nằm sát kênh. Năm nay lại quá khô hạn mình phải chuyển sang trồng bắp. Bà con nông dân đang ngày đêm trông mưa nếu không thì trắng tay”- ông Ưu than thở.
Ông Võ Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường lo lắng: “Nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều diện tích lúa, đậu, rau màu ở những vùng không chủ động được nước tưới cũng chết khô luôn. Nhiều người đã đóng giếng vẫn không có nước. Vụ đông xuân địa phương đã mất mùa giờ không gieo sạ được nên nhiều hộ dân không dám bán lúa mà để dự phòng ăn cả năm”.
Hiện mực nước trên các sông, suối, hồ đập xuống thấp chưa từng thấy. Hồ Liệt Sơn là một trong những hồ có dung tích chứa lớn nhất tỉnh, đảm nhiệm tưới 1/2 diện tích của huyện Đức Phổ hiện chỉ còn dưới 40% dung tích thiết kế nên vụ này phải cắt giảm một số diện tích. Một số hồ khác đã ở mực nước chết.
Mọi năm, thời điểm này đã xảy ra lũ tiểu mãn, các hồ đập tích được khá nhiều nước, nhưng năm nay hầu như không xảy ra. Vì thế, vụ hè thu này chắc chắn hạn hán sẽ nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh đề nghị huyện Đức Phổ hỗ trợ tiền xăng dầu để bà con bơm nước ở những vùng không chủ động được nước để chống hạn.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 22 tháng 5 năm 2013, ông Nguyễn Văn Phong, phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký ban hành công văn số 1717/UBND-NN về việc đề nghị hỗ trợ hóa chất xử lý mầm bệnh, xử lý môi trường vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh của tỉnh. Theo nội dung công văn: hiện tượng tôm chết có dấu hiệu lây lan, phải được khống chế kịp thời, nhưng lượng Chlorine của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho tỉnh trong năm 2012 đến nay đã sử dụng hết.

Sáng ngày 25/7, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2012 – 2013.

Hiện nay, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Hàng triệu hộ chăn nuôi trong cả nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi heo, gà, vịt, cá tra… rớt giá thê thảm, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến người nuôi thua lỗ. Giá gà công nghiệp trong tháng 5-2013, rớt xuống mức thấp kỷ lục 13.000 - 15.000 đồng/kg, chưa bằng 50% chi phí giá thành sản xuất; gà tam hoàng từ 38.000 đồng/kg vào tháng trước, nay giảm còn 30.000 đồng/kg; trong khi giá heo cũng giảm còn 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ, thấp hơn giá thành nuôi là 4 - 4,1 triệu đồng/tạ… Giá rẻ đã đành, song người chăn nuôi muốn bán sản phẩm dù chấp nhận lỗ cũng rất khó.

Từ sau cơn biến động rớt giá trong những năm 2005, 2006 làm các trang trại và người chăn nuôi lao đao, thì hiện nay dê, cừu đã dần lấy lại vị thế với tổng đàn ngày càng tăng.